Tiếp tục lan tỏa các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Đến nay, tại 22 quốc gia trên thế giới đã có 35 công trình tượng, tượng đài Chủ tịch HCM. 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đi xa nhưng những giá trị to lớn trong tư tưởng của Người vẫn còn mãi. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả cho rằng các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục lan tỏa trong thời đại mới.

Tiếp tục lan tỏa các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà chúng ta vẫn gọi là văn hiến Việt Nam. 

Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết của UNESCO là sự công nhận của thế giới đối với những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam kết tinh trong con người Hồ Chủ tịch, thể hiện sự tôn vinh một con người mang trong mình những ý tưởng cao đẹp mà nhân loại chia sẻ và hướng tới là hòa bình, độc lập dân tộc, bình đẳng giữa các quốc gia, giải phóng các dân tộc khỏi áp bức, bất công.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Bản thân sự nghiệp giải phóng dân tộc của Chủ tịch HCM thường chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn, đạo đức rất cao. Và chính những giá trị văn hóa, nhân văn, đạo đức ấy lại tác động trở lại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của dân tộc Việt Nam. Người đã kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà chúng ta vẫn gọi là văn hiến Việt Nam. Đây là sự kết tinh từ bốn chữ: “Văn hóa-Trí tuệ-Đạo đức- Cái đẹp”.

Bởi là nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại nên nghị quyết của UNESCO kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Người thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau. Đến nay, tại 22 quốc gia trên thế giới đã có 35 công trình tượng, tượng đài Chủ tịch HCM. Tại những nơi Người từng sống và hoạt động, nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng đã được xây dựng, tu sửa. Nhiều quốc gia đã đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Hồ Chí Minh… Các công trình này là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại, qua đó giúp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn và tôn vinh hình ảnh Hồ Chủ tịch, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chu Đức Tính chia sẻ, bạn bè quốc tế luôn dành cho Người một tình cảm trân trọng, kính yêu: “Năm 2014, tôi cùng đoàn cán bộ Việt Nam đến Madagaska để khảo sát nhằm tu sửa lại Tượng đài Bác Hồ tại đây. Sau khi bày tỏ với các cơ quan chức năng về mong muốn của Việt Nam, người dân và chính quyền nước bạn đã đề nghị tự chi kinh phí tu sửa Tượng đài Bác. Điều này là minh chứng sống động cho sự trân trọng, tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.”

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được tôn vinh, lan tỏa rộng rãi, nhất là trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này giúp người Việt Nam cả trong nước và nước ngoài, củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ, vừa giúp thế giới biết đến nhiều hơn hình ảnh đất nước Việt Nam với lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình và trách nhiệm với công việc chung của thế giới

Feedback