"Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bất kể thế hệ làm tôi vô cùng xúc động."- đó là chia sẻ của chị Nhung Úy, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Quảng Đông, một trong những hướng dẫn viên tại trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hơn 10 năm gắn bó với nơi này đã để lại trong chị nhiều ấn tượng khó phai.
|
Chị Nhung Úy trả lời phỏng vấn phóng viên VOV |
Di tích được bảo tồn từ một chuyến thăm
Câu chuyện giữa phóng viên và chị Nhung Úy bắt đầu từ thời điểm trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại ngôi nhà gỗ số 13-15, nay là nhà số 248-250 phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu được tái hiện và lưu giữ.
Đó là vào năm 1971, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm tới Trung Quốc. Bởi từng được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) tổ chức và trực tiếp giảng dạy, Thủ tướng có mong muốn được thăm lại lớp học.
Và chỉ một đêm sau khi nhận được chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, chính quyền địa phương đã đưa căn nhà vốn là nhà dân này trở lại hình hài của lớp huấn luyện chính trị năm nào.
|
Trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu |
Thấy được ý nghĩa và giá trị của địa chỉ cũ này, từ năm 1973, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông đã đưa ngôi nhà vào danh sách các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn và không ngừng bổ sung tư liệu, hiện vật, để đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Trung Quốc khi có yêu cầu.
Kể từ năm 2001, sau khi hoàn thiện tầng dưới tòa nhà, chính quyền sở tại đã đồng ý cho tất cả các đoàn Việt Nam được vào thăm sau khi đã làm việc với Sở Ngoại vụ tỉnh.
Vậy vì sao địa chỉ này không mở cửa rộng rãi với tất cả du khách? Chị Nhung Úy cho biết: "Trách nhiệm lớn hơn của chúng tôi là bảo vệ ngôi nhà, bởi nó liên quan đến tình hữu nghị Trung-Việt. Nếu mở cửa hoàn toàn với bên ngoài, sẽ làm cho di tích nhanh xuống cấp, do vậy chúng tôi chỉ đáp ứng yêu cầu của khách Việt Nam".
"Bên cạnh đó, mỗi khi đón đoàn, tôi rất coi trọng sự an toàn. Kết cấu nhà trước đây chỉ có gạch và gỗ, không có cốt thép, trong khi ngôi nhà này đã có lịch sử cả trăm năm rồi, bởi thế tôi luôn đưa ra yêu cầu chỉ được 15 người tham quan mỗi lần. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ di tích từ những điều nhỏ nhất" - chị Nhung Úy nói thêm.
Chuyến thăm "có một không hai"
Với thâm niên hơn 30 năm làm việc tại Bảo tàng và hơn 10 năm nhận nhiệm vụ thuyết minh tại trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, chị Nhung Úy là một trong số ít những những cán bộ hướng dẫn ở đây tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng..., chị đều vinh dự được đón tiếp.
|
Một số hình ảnh của Bác được trưng bày tại di tích |
Chị luôn cho rằng, những điều mình làm đơn giản là công việc và trách nhiệm, chưa từng nghĩ sẽ được đền đáp. Nhưng rồi vào năm 2018, một bất ngờ lớn đã đến với chị. Bộ Ngoại giao Việt Nam mời đích danh một mình chị sang thăm Việt Nam 5 ngày. Điều mà như chị nói là có lẽ chưa từng xảy ra ở Quảng Đông. Món quà ý nghĩa này đã giúp chị hiểu hơn giá trị công việc mà mình đang làm.
"Đến giờ tôi vẫn không thể diễn tả được cảm giác lúc đó, rất nhiều cảm xúc đan xen. Cảm động, cảm ơn, thật khó nói thành lời. Khi làm việc tôi luôn nghĩ phải làm hết trách nhiệm của mình, chứ không nghĩ tới việc được nhận lại điều gì. Cảm ơn các bạn đã tặng tôi món quà lớn đến vậy, tôi rất vui và bất ngờ" - chị bày tỏ.
Chị cho biết, đây không phải là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của mình, nhưng các chuyến đi trước đều là làm việc, còn đây là chuyến thăm "đặc cách và đặc biệt".
Đến giờ chị vẫn không thể quên sự chăm sóc tận tình của 2 cán bộ ngoại giao Việt Nam, không thể quên chuyến đi mà một người bình thường như chị còn có thể đưa ra yêu cầu và được coi như thượng khách.
Chị đã yêu cầu được đến Nghệ An, để thỏa niềm mong ước bấy lâu là được đặt chân lên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà chị thường xuyên nhắc tới và được nhân dân Việt Nam tôn kính. Với chị đó là cách tốt nhất để hiểu hơn về cốt cách Hồ Chí Minh và những tầng sâu trong lời giới thiệu của mình về vị lãnh tụ giản dị.
|
Lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu |
Ấn tượng mạnh trước tình cảm mọi người dành cho Hồ Chủ tịch
Nhớ về mỗi lần thuyết minh tại di tích, chị bảo, lần nào hướng dẫn viên cũng nhận được những lời cảm ơn của các bạn Việt Nam, nhưng bản thân chị lại thấy mình mới cần phải cảm ơn họ.
"Thực ra từ khi làm hướng dẫn viên ở đây, tôi chưa nói ra điều này bao giờ. Lần nào sau khi thuyết minh, người xem cũng nói với tôi: Cảm ơn đã giúp tôi được học hỏi. Nhưng tôi tự thấy mình mới là người được học hỏi. Tôi học hỏi được nhiều hơn. Thứ nhất, tôi được học hỏi từ chính tình cảm mà các bạn dành cho Người. Thứ hai, qua những điều thuyết minh, tôi hiểu thêm về tình cảm cách mạng sâu sắc và tình hữu nghị giữa hai nước. Bởi vậy, mỗi lần tôi đều thấy điều mình nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra", chị Nhung Úy bày tỏ.
Rất nhiều những câu chuyện về tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giờ chị vẫn không thể nào quên. Đó là hình ảnh một bạn thanh niên Việt Nam đứng lặng 2 phút trước tượng Bác tại trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sau khi nghe chị thuyết minh.
Đó là những giọt nước mắt của nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam mỗi khi nhắc đến Người. Đó là khoảnh khắc một đồng nghiệp người Việt Nam của chị bật khóc khi giới thiệu chưa hết câu đầu tiên về chiếc giường nơi Bác dưỡng bệnh. Với chị, những tình cảm đó như thường trực trong lòng mỗi người dân Việt Nam bất kể thế hệ, để rồi bỗng chốc dâng trào khi được chạm tới.
|
Phòng ngủ của Bác tại trụ sở |
Trở thành "khách mời đặc biệt" được sang Việt Nam, càng giúp chị hiểu hơn tình cảm đặc biệt ấy. Chị chia sẻ: "Sự kính trọng mà người dân Việt Nam dành cho Hồ Chủ tịch thực sự làm tôi vô cùng xúc động. Trên thực tế, đây cũng là một cách giáo dục tình yêu nước. Vì sao tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch qua bao thế hệ vẫn không hề phai nhạt? Đó chính là điều mà mỗi người làm công tác giáo dục tuyên truyền như chúng tôi phải suy ngẫm. Tôi thấy về điều này các bạn đã làm rất tốt".
Đến giờ, hình ảnh ngọn đèn không bao giờ tắt ở phòng làm việc của Người trong Nhà sàn ở Phủ Chủ tịch vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí chị, bởi dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang còn đó và Người sẽ sống mãi trong trái tim của mỗi người Việt Nam.