Sự kiện có sự tham dự của 44 đại diện, đại biện các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, JICA…); nhiều bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên. Nhân dịp này, phóng viên VOV5.VN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường về tổng quan quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi, tiềm năng hợp tác và những nội dung, lĩnh vực tập trng thúc đẩy hợp tác tại Hội nghị lần này.
Quang cảnh Hội nghị
|
Phóng viên (PV): Thưa thứ trưởng, ông có thể đánh giá tổng quan về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi thời gian qua cũng như hiện nay?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường: Trung Đông - Châu Phi là khu vực rất rộng lớn, trên 36 triệu km2 với tổng dân số 1,8 tỷ người. Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển. Nhiều đánh giá trên thế giới cho rằng khu vực Trung Đông-Châu Phi sẽ là khu vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Về quan hệ với Việt Nam, thì hầu hết các nước Châu Phi đều biết đến Việt Nam. Tình cảm quan hệ gắn bó đó có từ thời Việt Nam và các nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. Họ coi Việt Nam là biểu tượng trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân, tạo động lực cho các nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. Quan hệ chính trị rất tốt đẹp từ truyền thống cho tới nay vẫn được duy trì. Không phải ngẫu nhiên mà các nước Trung Đông-Châu Phi, mặc dù giữa họ còn những ý kiến khác nhau, nhưng với Việt Nam thì luôn có sự ủng hộ. Nổi bật nhất là vừa qua bầu Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 tất cả các nước Trung Đông-Châu Phi đều bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam. Bạn cũng ủng hộ chúng ta khi đăng ký vào các ghế trong các tổ chức như UNESCO, ECOSOC, Hội đồng nhân quyền, Việt Nam luôn dành được sự ủng hộ và số phiếu rất cao từ các nước Trung Đông-Châu Phi.
PV: Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi hiện nay đã được khai thác như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường: Quan hệ chính trị tốt như vậy nhưng cả hai bên đều nhận thấy rằng quan hệ kinh tế còn chưa tương xứng. Nguyên nhân có nhiều nhưng một trong đó là vấn đề nhận thức của cả hai bên.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường gặp gỡ đại biểu tại Hội nghị
|
Chúng ta vẫn nhìn nhận đây là khu vực còn nghèo nàn, khu vực có chiến tranh, nhưng nhận thức về tầm quan trọng của khu vực đang phát triển vươn lên cần phải có sự thay đổi. Thứ hai là thông tin về nhau còn nhiều hạn chế. Vì thế tại hội nghị lần này, một trong những mục đích quan trọng là các đại sứ, sứ giả TĐ-CP ở Việt Nam ta sẽ cung cấp thông tin cho họ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua cũng như những định hướng lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội nghị lần này có sự tham dự không chỉ của Bộ ngoại giao, mà cả các bộ, ngành liên quan, nhất là sự tham gia của các địa phương của Việt Nam. Ngoài ra có khoảng 70 doanh nghiệp tham gia hội nghị. Vì vậy, ngoài trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết, hội nghị tập trung vào thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại đầu tư Việt Nam với Trung Đông-Châu Phi thời gian tới.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết các lĩnh vực hợp tác tập trung thúc đẩy tại Hội nghị lần này?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường: Đầu tiên là lĩnh vực thương mại. Hiện nay trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi, mặc dù tăng, trong 10 năm qua 2008-2018 tăng 300% nhưng con số hiện nay dưới 18 tỷ USD, nếu so với tổng thương mại Việt Nam năm 2018 là 480 tỷ USD thì con số đó chỉ 3,5% thôi rất khiêm tốn. Đầu tư cũng vậy, hai chiều mới chỉ khoảng 10 tỷ USD. Vì thế một trong những lĩnh vực là hai bên bàn với nhau tăng cường quan hệ thương mại. Việt Nam có nhiều mặt hàng có thể xuất sang các nước Trung Đông - Châu Phi. Hàng hóa Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của các nước bạn như hàng nông nghiệp, nông sản, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã xuất sang. Tuy nhiên phải làm sao tháo gỡ những khó khăn, những rào cản đặc biệt là vấn đề thanh toán, các ngân hàng của hai bên phải hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề thanh toán. Hiện một số ngân hàng Việt Nam cũng sẽ tham gia. Ngoài ra một lĩnh vực nữa chúng ta cũng có thế mạnh mà hiện đã có sự hiện diện khá lớn ở châu Phi rồi đó là lĩnh vực viễn thông. Tập đoàn Viettel hiện đã đầu tư ở 4 nước, giúp người dân ở các nước này tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Lĩnh vực nữa chúng ta và các nước mong muốn thúc đẩy nữa là nông nghiệp. Chúng ta đã có nhiều năm hợp tác song phương, ba bốn bên... trong việc sản xuất lúa gạo. Nhiều nước mong muốn Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể giúp họ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Phía các nước cũng mong muốn qua hội nghị này đề đạt những nguyện vọng các tập đoàn, công ty Việt Nam có thể đưa nhà máy sang sản xuất, chế biến nông sản. Ngoài ra còn lĩnh vực du lịch. Nhiều nước khu vực Trung Đông - Châu Phi có nhiều địa danh nổi tiếng như Ai Cập, Nam Phi… có thể thúc đẩy hợp tác du lịch. Tại Hội nghị lần này còn có trưng bày các gian hàng, các đại sứ, đại biện Trung Đông - Châu Phi có thể tìm hiểu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Ngoài ra lần này chúng ta có mời 8 tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Pháp ngữ, Liên minh Châu phi, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Câu lạc bộ các chủ ngân hàng ở Châu Phi…tham dự. Đây là dịp để họ tìm hiểu thêm cơ hội hợp tác làm ăn với VIệt Nam trong thời gian tới.
Đây là lần đầu tiên ta tổ chức Hội nghị các đại sứ Trung Đông - Châu Phi. Hội nghị này cũng nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Đông Châu Phi giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Chúng tôi mong rằng qua Hội nghị này sẽ tạo ra được một cú hích thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông - Châu Phi phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!