Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 35

Chia sẻ
(VOV5) - Các thành viên APEC cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong các quy trình đăng ký kinh doanh, giám sát việc thực hiện các luật, quy định về thuế, lao động...

Hôm qua (14/11), tại Trung tâm Hội nghị Lima, ở thủ đô Lima, Peru, diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 35 (AMM 35). Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 35 - ảnh 1Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC-CEO Summit - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC năm 2024 với nhiều điểm sáng trong thực hiện chương trình nghị sự APEC về tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong đó có những sáng kiến nổi bật và đóng góp tích cực của Peru, nước chủ nhà APEC 2024.

Tại phiên thảo luận về “Đổi mới sáng tạo và số hoá nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế chính thức và toàn cầu”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận cơ hội việc làm, tham gia phát triển kinh tế và hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế.

Nêu một số đề xuất đối với hợp tác của APEC trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các thành viên APEC cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong các quy trình đăng ký kinh doanh, giám sát việc thực hiện các luật, quy định về thuế, lao động... Về hỗ trợ doanh nghiệp, cần đẩy mạnh việc xây dựng môi trường thuận lợi cho các hộ kinh doanh và cá nhân tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Để hỗ trợ người lao động, nên mở rộng các chương trình dạy nghề, đào tạo kỹ năng trên nền tảng số cho lực lượng lao động, đồng thời nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của người lao động, qua đó khuyến khích quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức. Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị.

Feedback