Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Sáng 10/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đó, tại hai kỳ họp thứ 9 và 10, năm 2020, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 - ảnh 1 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020

Việc lựa chọn nội dung chuyên đề theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả của chuyên đề và phù hợp với thời gian, nguồn lực của Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em mới được ban hành tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ tháng 6/2017, nên các chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giao các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các phiên giải trình để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đa số đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Các đại biểu cũng đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

Feedback