Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận |
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu cho rằng: Đội ngũ công chức là một bộ phận của nguồn nhân lực công, yếu tố cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực xã hội. Để có đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước thì vấn đề quan trọng là khâu tuyển dụng; trong đó phương pháp và nội dung tuyển dụng là yếu tố cốt lõi. Về việc tuyển dụng công chức, các đại biểu nhấn mạnh Dự thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thật kỹ từng trường hợp xét tuyển và tiếp nhận để bảo đảm tính hợp lý, đáp ứng nguyên tắc tuyển dụng công chức phù hợp với vị trí việc làm, thực hiện đầy đủ chủ trương thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn Đà Nẵng, cho rằng: Đề nghị Quốc hội quy định nội dung tuyển dụng công chức là đánh giá năng lực tư duy, trí thông minh và trí tuệ cảm xúc, tham khảo phương pháp của các quốc gia phát triển để áp dụng sát hạch, đánh giá tuyển dụng. Đồng thời cơ quan tuyển dụng nên thuê các tổ chức tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp làm việc này để có một phương thức tuyển dụng hiện đại, đạt yêu cầu.
Trước đó, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung 1 Điều vào Nghị quyết số 81 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Theo đó, kể từ ngày 10/6/2019 đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.