(VOV5)-Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật thú y.
Nhất trí với việc sửa đổi luật, các đại biểu phân tích: sau hơn 8 năm thi hành, Bộ Luật dân sự có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật … Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới, trước yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Luật dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ Luật dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật thú ý và Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thảo luận về Dự án Luật Tài nguyên biển và hải đảo, một số đại biểu cho rằng cần đổi tên gọi của Luật thành "Luật tài nguyên môi trường biển" để đảm bảo thống nhất trong cách đặt tên với Luật Biển Việt Nam; đồng thời bổ sung những thành phần khác trên biển như đá, bãi đá và các kiến tạo địa chất khác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh của Dự án luật. Về Dự án Luật Thú y, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn và cho rằng cần giữ như quy định của Pháp lệnh hú y hiện hành, tức là thẩm quyền công bố thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bổ sung quy định về thời gian phải công bố dịch, việc đăng tải thông tin về dịch bệnh, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ra quyết định công bố dịch để đảm bảo tính chính xác, kịp thời./.