Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội: tăng trưởng hợp lý nhưng còn nhiều khó khăn

Chia sẻ
(VOV5) - Theo nhiều đại biểu, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt thấp hơn giai đoạn trước và thấp hơn chỉ tiêu Đại hội XI của Đảng đề ra, tuy nhiên đó là sự tăng trưởng hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế. 

(VOV5) - Thảo luận tại tổ hôm nay, theo nhiều đại biểu, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt thấp hơn giai đoạn trước và thấp hơn chỉ tiêu Đại hội XI của Đảng đề ra, tuy nhiên đó là sự tăng trưởng hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế. Các đại biểu cũng ghi nhận một số thành công của đất nước như bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá trong 2 năm 2012-2013 rất ổn định, giữ được niềm tin vào đồng nội tệ. Trong giai đoạn 2006 - 2010 nhập siêu lớn nhưng từ năm 2011 đã bắt đầu giảm, năm 2013 dự kiến nhập siêu không quá 1 tỷ USD.

Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội: tăng trưởng hợp lý nhưng còn nhiều khó khăn - ảnh 1
Các Đại biểu Quốc hội đánh giá sản xuất-kinh doanh đã cơ bản phục hồi song còn chưa vững chắc. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ một số lo lắng. Ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo. Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét. Từ thực tế này, một số đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện huy động nguồn lực tài chính trong dân tham gia vào thị trường tài chính, phát triển kinh tế. Ngoài ra các chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế cũng cần ghi rõ vào trong Nghị quyết của Quốc hội. Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: “Sắp tới trong Nghị quyết của Quốc hội ngoài định tính tăng trưởng kinh tế thì phải có các chỉ tiêu hết sức cụ thể cần làm được trong từng năm. Ví dụ như phải thu hồi được bao nhiêu dự án bỏ hoang, bao nhiêu ha đất lãng phí”.


Về tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là trên 3 lĩnh vực đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn có những vướng mắc và cần phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục.


Liên quan đến lộ trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015),  một số đại biểu đề nghị không nên nôn nóng kích thích tổng cầu, đẩy tăng trưởng nóng mà chất lượng tăng trưởng phải được đặt ra và ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu.


Đề cập các vấn đề xã hội, các đại biểu cho ý kiến về thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo yêu cầu, chống tham nhũng, đổi mới quy trình tuyển dung công chức, giải quyết việc làm, hiện trạng xã hội hoá một số dịch vụ. Bà Đỗ Thị Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nêu ý kiến: ”Trong lộ trình của chính phủ tôi thấy có mục tiêu đến năm 2015 phải 50% xã hội hoá các dịch vụ liên quan đến cả dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác nhưng đến bây giờ chưa thực hiện được. Miền núi được ngân sách nhà nước hỗ trợ đã đành, còn ở miền xuôi cần phải có lộ trình xã hội hoá dần và phải công bằng giữa các cơ sở được xã hội hoá với cơ sở công lập về mọi mặt. Tôi thấy các giải pháp đều chưa có hoặc có nhưng chưa quyết liệt nên tất cả gánh nặng đều dồn vào ngân sách”.


Những nội dung về kinh tế - xã hội sẽ được các đại biểu tiếp tục thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường trong 2 ngày 31/10 và 1/11./.

Feedback