Quốc hội khóa XIII thảo luận 3 vấn đề quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 6

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Sau khi được chỉnh sửa, lấy ý kiến toàn dân,  toàn bộ nội dungDự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội khoá XIII, trong kỳ họp thứ 6. 

(VOV5) - Sau khi được chỉnh sửa, lấy ý kiến toàn dân,  toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội khoá XIII, trong kỳ họp thứ 6.


Phiên thảo luận bắt đầu từ sáng 23/10 với nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng của Dự  thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. Các đại biểu dành sự quan tâm về những nội dung liên quan đến chế độ kinh tế, vấn đề thu hồi đất, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tôn trọng, bảo vệ quyền con người

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xem là chế định quan trọng trong đạo luật gốc của đất nước. Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Quy định về quyền con người và quyền công dân cũng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã thể hiện rõ tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân và quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nhận xét:“Ở đây,chúng ta đi vào từng quyền một. những quyền gì dứt khoát phải theo luật thì Hiến pháp thể hiện rất rõ là từ nay trở đi chỉ có thể hạn chế theo luật . Điều này rất tiến bộ và rất tốt.”

Khẳng định vai trò của kinh tế Nhà nước

Về các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tuy nhiên cần ghi rõ hơn vai trò định hướng nền kinh tế của Nhà nước cũng như vai trò  chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Sơn , đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu ý kiến:“Qua nghiên cứu các văn kiện, tôi thấy nên ghi thẳng vào Hiến pháp: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường có định hướng, quản lý, điều tiết của nhà nước với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước bao gồm ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia , tài sản Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”

Thu hồi đất bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có bồi thường

Có nhiều ý kiến cho rằng quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. Ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, nêu ý kiến:“Thu hồi đất là nhiệm vụ cần thiết nhưng quy định thu hồi đất để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cử tri còn lo ngại. Nếu như chỉ quy định như Hiến pháp mà không có cơ chế, cách thức để kiểm soát, đảm bảo được việc thu hồi đất, tư liệu sản xuất cốt tử đối với nhân dân, thì những bức xúc sẽ chưa được giải quyết. Đó là những vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm và thiết nghĩ cần quy định chặt chẽ hơn”.

Chế độ kinh tế, vấn đề thu hồi đất, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ là 3 trong số nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp lần này. Những nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận kỹ trong những phiên họp tới của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII để việc thông qua Hiến pháp vào cuối kỳ họp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân./.

Feedback