Nhiều ý kiến xung quanh việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm

Chia sẻ
(VOV5) - Đó là một trong những nội dung trong Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Nhiều ý kiến xung quanh việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm - ảnh 1 Toàn khai mạc phiên họp lần thứ 15. - Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN 

Sáng 02/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 15. Tại phiên họp diễn ra từ ngày 2-04/10, Ủy ban sẽ cho ý kiến về việc
tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2019, Báo cáo về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018... Đáng chú ý, Ủy ban sẽ tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Trong phiên làm việc đầu tiên, Ủy ban cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trình bày các nội dung lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết đến thời điểm này, dự án Bộ luật đã cơ bản thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Thảo luận tại phiên họp về việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, cho rằng nếu lao động nặng nhọc độc hại thì theo quy định có thể nghỉ hưu sớm và giờ làm thêm có thể là ít. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe, nhu cầu của người lao động."Tôi nghĩ với quy định từ 300-400 giờ làm thì 300 giờ là phù hợp với lao động nặng nhọc, độc hại. Còn trên 300 giờ là những lĩnh vực mà có thể người lao động đảm bảo sức khỏe. Tôi thấy nếu quy định 300 giờ mà tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến người lao động thì phải xem xét một số lĩnh vực đang làm thêm".
Các đại biểu đề nghị quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành. Việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, theo đó, đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Feedback