Tại nghị trường kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm là các giải pháp để phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Phát biểu tại phiên chất vấn ngày 6/11 Phó Thủ tướng chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định ngành thủy sản Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả rất khả quan. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 triệu tấn; xuất khẩu đạt giá trị trên 9 tỷ USD, riêng 10 tháng năm 2019 đạt giá trị xuất khẩu 7,1 tỷ USD.
Trong giai đoạn tới, để phát triển bền vững ngành thủy sản, chính phủ xác định việc tái cấu trúc ngành thủy sản phải chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển, tổ chức tốt hậu cần nghề cá, coi đây là một nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành này giai đoạn tới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Trước mắt tập trung các giải pháp theo hướng không tăng sản lượng khai thác nữa, thậm chí giảm sản lượng khai thác nhưng đi vào chuỗi giá trị chế biến. Điểm thứ hai, thay đổi cơ cấu không đi khai thác nhiều nữa mà tập trung nuôi biển. Đây sẽ là một hướng chiến lược Việt Nam. Tới đây, bên cạnh tổ chức lại liên kết theo chuỗi khai thác trên biển, tập trung nhiều hơn ở công nghệ chế biến từ đó phát triển các sản phẩm chuỗi giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu."
Chính phủ đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện, tất cả các địa phương đang tập trung để lập quy hoạch, rà soát lại các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.