Cương quyết đấu tranh với hoạt động sử dụng, gian lận xuất xứ hàng Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Cương quyết đấu tranh với hoạt động sử dụng, gian lận xuất xứ hàng Việt Nam - ảnh 1 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. - Ảnh VGP

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng lợi dụng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác nhằm trốn, tránh thuế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới. Thông qua hàng loạt hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp Việt Nam có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác. Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi xuất sang nước khác.

Nhằm ngắn chặn tình trạng sản phẩm lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Đề án phòng vệ thương mại, tập trung đấu tranh với hành động gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại nói chung, nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động sử dụng, gian lận xuất xứ hàng Việt Nam cũng như chuyển tải đầu tư bất hợp pháp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi xin khẳng định Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành… đã có những chỉ đạo và đang thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, không để chậm trễ… trong việc gian lận xuất xứ, gây tổn hại cho uy tín của Việt Nam, cho nền kinh tế đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hạn chế hành vi này và cương quyết đấu tranh có hiệu quả với việc gian lận thương mại".

Cũng trong sáng 7/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức.

Buổi chiều, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội./.

Feedback