Năm 2023: Việt Nam đặc mục tiêu giảm nghèo từ 1 đến 1,5%

Chia sẻ
(VOV5) - Mục tiêu hướng tới trong năm nay là tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1 đến 1,5%/năm.

Năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… thúc đẩy và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Năm 2023: Việt Nam đặc mục tiêu giảm nghèo từ 1 đến 1,5% - ảnh 1Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Mục tiêu hướng tới trong năm nay là tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1 đến 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo giảm khoảng 4%. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên năm 2023; huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

Năm 2023: Việt Nam đặc mục tiêu giảm nghèo từ 1 đến 1,5% - ảnh 2Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Võ Hải/VNExpress

Bộ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Đầu tiên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, vai trò bản thân vươn lên của người dân rất quan trọng, mà tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất. Nhà nước không chỉ dừng lại hỗ trợ tiền hay vật chất mà Nhà nước chuyển sang hướng chủ yếu là ban hành các chính sách hỗ trợ không điều kiện và cho vay có điều kiện để cho người dân tự vươn lên. Thứ hai là chúng ta tập trung vào một số vấn đề cốt lõi: Đó là sinh kế của người dân, là tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện để xóa được toàn bộ nhà tạm cho hộ nghèo, mà tôi nhớ 74 huyện nghèo khoảng 300.000 căn nhà của người nghèo. Phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo được mấy vấn đề là: Người dân hộ nghèo có nhà ở theo tiêu chí bền vững; được sử dụng nước sạch nước hợp vệ sinh; giải quyết căn bản những vấn đề chăm lo, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và một số vấn đề khác nữa".

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên có mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Feedback