Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu khẳng định nhân dân là chủ thể tối thượng quyền lập Hiến và lập pháp nhưng trong thực tiễn, chưa thể hiện đầy đủ quyền này của nhân dân.

Chiều 17/05, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Tọa đàm chủ đề “Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - ảnh 1Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ý kiến các đại biểu thống nhất đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cùng với cải cách hành chính, cải cách tư pháp là những nội dung cơ bản, trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện mới, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua thảo luận, về lập pháp, các đại biểu khẳng định nhân dân là chủ thể tối thượng quyền lập Hiến và lập pháp nhưng trong thực tiễn, chưa thể hiện đầy đủ quyền này của nhân dân, nhất là quyền đề xuất sáng kiến xây dựng luật của công dân, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân... Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật; ủy quyền lập pháp và phân quyền, kể cả cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và chính quyền địa phương nên hạn chế, tiến tới tới bỏ việc ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hạn chế phạm vi ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và địa phương... Nhiều ý kiến cho rằng phạm vi của một dự án luật nên hẹp để dễ thảo luận sâu; đề xuất bỏ chương trình xây dựng Luật của Quốc hội nhưng Chính phủ cần có chương trình xây dựng luật để tăng tính chủ động; tiếp tục đổi mới quy định lập pháp, phân định rõ quy định lập pháp với quy định lập quy; xác định rõ mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành...

Về tổ chức của Quốc hội, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức Quốc hội; Quốc hội phải hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp; cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có cơ chế đánh giá đại biểu Quốc hội; xây dựng quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Về bầu cử, các ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ quyền bầu cử của công dân trong đó có quyền giới thiệu ứng cử viên, quyền tự ứng cử, quyền lựa chọn, quyền bỏ phiếu...; đổi mới cơ cấu và tiêu chuẩn của đại biểu dân cử; đổi mới mạnh mẽ việc hiệp thương giới thiệu ứng cử viên; có cơ chế vận động bầu cử và cơ chế cung cấp thông tin về từng ứng cử viên; nâng cao vai trò của Hội đồng bầu cử Quốc gia...

Feedback