Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà

Lê Tuyết
Chia sẻ
(VOV5) - Hai bên thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho các mặt hàng là thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. 

Sáng 14/06, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 13 – 16/06. Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo. Ảnh: VOV

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với châu Phi; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, cùng có lợi trên tất cả các kênh; tiếp tục tăng cường phối hợp trong tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các cơ chế đa phương khác (Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết).

Nhất trí hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những trụ cột hợp tác giữa hai nước, hai bên thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho các mặt hàng là thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà. Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để hàng hóa của Bờ Biển Ngà thâm nhập thị trường Đông Nam Á và châu Á. Hai nhà lãnh đạo cho rằng hợp tác trong nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên và hai nước có thế mạnh; mong muốn hai bên tiếp tục duy trì, phát triển hợp tác chuỗi giá trị về hạt điều; thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến hạt điều.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ lập trường của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Về quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp, hai bên thống nhất tăng cường các cuộc tiếp xúc, trao đổi Đoàn giữa lãnh đạo Quốc hội, các Cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo mong muốn hai bên nghiên cứu để mở đường bay thẳng Việt Nam – Bờ Biển Ngà và ngược lại; đề nghị Việt Nam giúp đỡ phát triển đào tạo nghề cho thanh niên Bờ Biển Ngà, góp phần giải quyết thất nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tin học, cơ khí, điện tử.

Sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội. 

Tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nước thông báo về kết quả hội đàm diễn ra chiều 14/06, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định hai bên đã thể hiện quyết tâm làm hết sức mình để đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bờ Biển Ngà trở thành một trong những hình mẫu của Quốc hội Việt Nam với các nước châu Phi. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng hợp tác giữa hai cơ quan Quốc hội sẽ là “chất xúc tác”, động lực để góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển một cách toàn diện, thực chất hơn nữa.

Phát biểu trước báo giới hai nước, Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo nhấn mạnh thông qua chuyến thăm, Bờ Biển Ngà mong muốn đẩy nhanh hơn nữa quan hệ về kinh tế và thương mại giữa hai nước. Việt Nam là một trong 20 quốc gia hàng đầu trên thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài, là hình mẫu, mô hình phát triển mà Bờ Biển Ngà đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà mong muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và hợp tác tại châu Phi. Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo khẳng định Việt Nam là "chìa khóa" để Bờ Biển Ngà tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bờ Biển Ngà sẵn sàng làm cầu nối giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với khu vực Tây phi nói riêng và châu Phi nói chung.

Feedback