Hôm qua (21/6), trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh với việc đón Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin thăm Việt Nam trong 2 ngày (19-20/6), Việt Nam khẳng định luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn cùng Nga củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và làm sâu sắc hơn khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng dành cho Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại Hướng Đông của Nga. Tuyên bố chung giữa 2 nước về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Lễ đón cấp Nhà nước với Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: VOV |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đã tạo xung lực mới cho hợp tác nhiều mặt Việt - Nga. Hai bên đã nhất trí tăng cường đối thoại, tiếp xúc cấp cao và các cấp và trên tất cả các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Nga khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027 và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tổ chức thành công sự kiện quan trọng này; tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: TTXVN |
Hai nước khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột, trọng tâm của hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại song phương; mở rộng tiếp cận thị trường Nga cho xuất khẩu hàng tiêu dùng và nông thủy sản của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đầu tư, nhất là về hạ tầng cơ sở, năng lượng. Việt Nam – LB Nga nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương về quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ, du lịch, lao động, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ... nhằm củng cố nền tảng nhân văn vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Lãnh đạo cấp cao hai bên khẳng định ủng hộ hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề Biển Đông, hai bên ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982); ủng hộ thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biên Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).