Việt Nam nỗ lực trong vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023

Phương Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa kết thúc tại Geneva (Thụy Sỹ).

Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung, cũng như trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Đồng thời, góp phần triển khai chính sách đối ngoại chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, trong vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 19/6 - 12/7 đã xem xét và thông qua 25 nghị quyết, quyết định, trong đó có nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Bangladesh và Philippines đề xuất và thúc đẩy.

Kết quả cụ thể phản ánh rõ nỗ lực của Việt Nam

Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tái khẳng định biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng các quyền con người, như: quyền sống, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh, cũng như quyền phát triển. Đặc biệt, những người dễ bị tổn thương, như: người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật thường chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, nghị quyết kêu gọi các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm này.

Việt Nam nỗ lực trong vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Nghị quyết cũng thúc đẩy cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, toàn diện, bao trùm đối với các chính sách thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững là công bằng, bình đẳng, bao trùm và bền vững, đồng thời không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này bao gồm việc tạo ra công ăn việc làm mới, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế, đặc biệt trong việc hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong các sáng kiến thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, Nghị quyết thúc đẩy các nỗ lực quốc tế để giảm thiểu lượng phát thải toàn cầu và kêu gọi các nước đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới với tham vọng cao tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29).

Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ,  xuyên suốt khóa họp, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức bốn phiên tham vấn không chính thức về dự thảo nghị quyết, với sự tham dự đông đảo của đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Đồng thời, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi song phương với các đối tác quan tâm đến vấn đề này, ở cả cấp Đại sứ và cấp chuyên gia. Việc Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận, với 70 nước đồng bảo trợ, đã phản ánh rõ kết quả của những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò chủ bút nghị quyết năm nay.

Thể hiện vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025

Khóa họp thường kỳ lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền gồm 5 phiên thảo luận chuyên đề, các phiên thảo luận và đối thoại với gần 40 Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền cùng các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc và nhiều phiên tham vấn về các dự thảo nghị quyết.

Tại khóa họp, đoàn Việt Nam đã thảo luận và phát biểu về nhiều vấn đề, như: quyền sức khỏe, quyền giáo dục, đói nghèo cùng cực, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, qua đó thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tích cực thương lượng, xem xét và thông qua các nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, là việc chủ trì, điều phối Nhóm nòng cốt để xây dựng, giới thiệu và thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề chuyển đổi công bằng.

Những đóng góp của Việt Nam tại khóa họp thường kỳ lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền tiếp tục thể hiện vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 của Việt Nam. Vai trò này đã được Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh khi Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng (năm 2022) rằng: "Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh..."

Với trách nhiệm, sự chủ động và nỗ lực đóng góp trong từng khóa họp, Việt Nam đang hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội.

Feedback