Luân chuyển cán bộ: giải pháp lớn nhằm đổi mới công tác cán bộ của Đảng

KIên Cường
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định 65 yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.

Tại phiên họp thứ 2 (ngày 21/8) của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào, cán bộ luôn đóng vai trò quyết định.

Trên thực tế, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác cán bộ được nhiều tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả, nhất là việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt. Đây là giải pháp lớn nhằm đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới.

 Luân chuyển cán bộ: giải pháp lớn nhằm đổi mới công tác cán bộ của Đảng - ảnh 1Ảnh minh hoạ. Nguồn: dangcongsan.vn

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương này và mỗi cán bộ luân chuyển đều đã tạo được những dấu ấn bằng kết quả lãnh đạo chỉ đạo mọi hoạt động ở cơ sở với nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Chuyển biến tại địa phương

Tỉnh Lào Cai có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, có 66 đơn vị là địa bàn đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, công tác cán bộ là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong luân chuyển đội ngũ về cơ sở.

Từ vị trí Phó Chánh Thanh tra huyện, năm 2019, cán bộ trẻ Đặng Công Huân được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin, một trong những xã nghèo nhất của huyện Mường Khương cũng như của tỉnh Lào Cai. Bằng tư duy của một cử nhân kinh tế, anh Huân đã cùng tập thể lãnh đạo xã thay đổi tư duy của người dân để chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển cây trồng chủ lực là chè và nhóm cây đặc sản địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ đầu nhiệm kỳ đến nay giảm bình quân mỗi năm trên 10%: “Ban đầu chỉ một vài hộ gia đình trồng nhưng hiện nay diện tích chè của toàn xã đã mở rộng trên 400 ha, trong đó 200 ha cho thu hoạch, mang lại thu nhập thường xuyên cho bà con. Bên cạnh đó, xã còn phát triển các vùng cây ăn quả, như: quýt, chuối, lê, đào, mận..., hiện cũng bắt đầu cho thu hoạch”.

Tại huyện Si Mai Cai, tỉnh Lào Cai, ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy, cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã luân chuyển 7 cán bộ từ huyện về xã, 6 cán bộ từ xã này sang xã khác; vừa tạo ra động lực mới về con người; vừa bảo đảm theo chủ trương cán bộ chủ chốt không phải người địa phương cũng như không nắm giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ: “Hiệu quả đầu tiên là sự chỉ đạo được thông suốt hơn, tạo ra khí thế làm việc ở cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đến thời điểm hiện tại, các trường hợp được luân chuyển cơ bản đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Không chỉ tạo chuyển biến tích cực ở địa phương, việc luân chuyển cán bộ chủ chốt cũng là cơ hội để cán bộ rèn luyện, thử thách và trưởng thành. Tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, công tác luân chuyển, điều động cán bộ đảm bảo được tính đồng bộ, liên thông; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, cho biết: “Luân chuyển giúp cán bộ có điều kiện có môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành và phát triển toàn diện hơn. Hằng năm, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Kế hoạch luân chuyển, thực hiện việc bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, lựa chọn những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, uy tín để tăng cường về cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn, địa bàn trọng điểm, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp tục học tập, phấn đấu, tôi luyện trong môi trường thực tiễn”.

Chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú trọng đến công tác cán bộ. Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh không phải là người địa phương. Bộ chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định 65 yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có 40 nhân sự từ trung ương về địa phương làm Bí thư tỉnh ủy. 29 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không phải là người địa phương. Không chỉ đưa cán bộ Trung ương về địa phương, Bộ Chính trị còn điều động một số Bí thư không phải là người địa phương trưởng thành ở một số tỉnh, thành phố giữ những chức vụ mới ở Trung ương. Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Cường phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chủ trương luân chuyển cán bộ, bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương đã được thực hiện vài nhiệm kỳ gần đây, tạo hiệu ứng lan tỏa. Chủ trương này tạo ra được tính hoàn thiện các khâu trong công tác cán bộ. Đưa cán bộ xuống cơ sở để qua đấy rèn luyện bởi vì thực tiễn mới là thước đo.  Cho nên xuống cơ sở làm việc, trực tiếp gắn bó với quần chúng và tiếp xúc với công việc, qua thực tiễn chứng minh được năng lực thực tế của mình. Một điều tích cực nữa là bố trí sắp xếp công tác cán bộ cũng là một việc tốt để là cán bộ nâng tầm của mình lên”.

Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển. Đây được xem như là công đoạn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tế; giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng là một bước tiến mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, nhằm đào tạo những cán bộ có bản lĩnh, kinh nghiệm gắn với thực tiễn ở cơ sở.

Feedback