Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong hai ngày 16&17/1/2019, như một lời hiệu triệu sức mạnh tổng hợp giải bài toán bứt phá Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong năm 2019. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những khẳng định về thúc đẩy cải cách kinh tế, truyền cảm hứng mãnh liệt về niềm tin phát triển của đất nước Việt Nam.
Năm 2018, lần đầu tiên sau 11 năm, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 7% và đang nỗ lực quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ở mức này, dù đấy chưa phải là con số thực sự ấn tượng nếu so với chính Việt Nam trong các năm 2003 – 2005 và so với tốc độ tăng trưởng trên 10% của các quốc gia châu Á trong giai đoạn chuẩn bị hóa rồng. Chính vì vậy, Việt Nam rất cần có quyết tâm cũng như rất nhiều khát vọng mới có thể tiếp tục được đà tăng trưởng này.
Việt Nam ưu tiên cải cách thể chế
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách, trong đó chính sách tài chính cần linh hoạt. Và Việt Nam phải tăng cường cải cách thể chế để đạt được mục tiêu “tăng trưởng bền vững” bền vững hơn. Về điều này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những đóng góp của các chuyên gia giúp Chính phủ định hình chính sách và chiến lược phát triển đất nước, không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới mà còn xa hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những ưu tiên cải cách thể chế của Việt Nam:Việc thứ nhất là chúng tôi tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó có xây dựng thể chế làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thế chế đó bao gồm cả phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau. Định hướng thứ hai trong xây dựng thể chế sắp tới là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa hiêụ quả hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân. Định hướng thứ 3, rất quan trọng trong xây dựng thể chế của chúng tôi, đó là tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế phát triển thuận lợi, phát triển bền vững”.
Nhất quán mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “phát triển nhanh và bền vững” thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhằm phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.
Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển, trong đó kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lâp-tự cường và thịnh vượng”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định những trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo đó là quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, nhằm tăng lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đầy bất ổn như hiện nay. Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên trong năm tới.