Các nhà quan sát quốc tế theo dõi chặt chẽ những động thái phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế mất niềm tin vào quốc gia này và Trung Quốc đang tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, làm suy giảm lòng tin của khu vực đối với nước này.
Ảnh minh họa: Đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông. - Ảnh: CSIS/AMTI
|
Việc Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngang nhiên công bố cái gọi là“ khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, không chỉ bị dư luận trong nước cực lực phản đối, mà còn bị quốc tế lên án mạnh mẽ.
Dưới góc nhìn của các nhà quan sát, phân tích quốc tế, hành động này thể hiện tham vọng bá quyền, thách thức luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc bất chấp tất cả để hành xử kiểu “một mình một chợ” có thể đẩy Trung Quốc vào thế tự cô lập mình.
Ảnh minh họa: Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. - Ảnh: CSIS/AMTI |
Rượu cũ bình mới
Thực chất, việc Trung Quốc đưa ra chiến lược Tứ Sa chính là một hình thức mới thay thế cho chiến lược Bản đồ đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ hồi năm 2016. Các quốc gia đều hiểu rõ kế hoạch này của Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc thành lập cái gọi là khu Tây Sa và khu Nam Sa trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy Trung Quôc tuy có những tính toán rất sâu xa nhưng lại vô cùng phi lý.
Không có thực thể nào tại cái gọi là Tam Sa được coi là đảo dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cùng năm. Tương tự, các thực thể tại các vùng mà Trung Quốc gọi là Trung Sa, Đông Sa khác cũng không thể được coi là đảo.
Bản thân Trung Sa (Macclesfield Bank) hoàn toàn là một bãi ngầm. Đối với Trung Quốc, một quốc gia có thềm lục địa, việc tuyên bố chủ quyền đối với những quyền được có trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và vẽ đường cơ sở xung quanh các thực thể ở Tứ Sa không thể mang tính thuyết phục. Trong khi một số thực thể có thể được coi là đá hoặc các cấu trúc khi thuỷ triều dâng cao có thể đã bị chiếm hữu, các thực thể này có thể lọt giữa vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển láng giềng. Do đó, quyết định mới đây của Trung Quốc không thể củng cố những cơ sở hời hợt và những tham vọng vô lối về những tuyên bố chủ quyền mong manh của họ ở khu vực Biển Đông.
Vì vậy, về bản chất, chiến lược Tứ Sa chỉ là kế hoạch nối dài của toan tính bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ trên Biển Đông, nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông. Nhưng thực tế là nước này lại để lại nhiều lỗ hổng lớn trong pháp lý khi tuyên bố chủ quyền.
Tự cô lập mình và gây bất ổn khu vực
Điều đáng nói là trong khi mỗi quốc gia, mỗi khu vực và cả cộng đồng quốc tế đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, Bắc Kinh lại tận dụng cơ hội đại dịch để củng cố ý tưởng kiểm soát các thực thể và những vùng biển ở khu vực Biển Đông. Hành động này thực chất đang gây bất ổn khu vực, làm giảm đà thậm chí phá hỏng tiến triển của các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Quan trọng hơn, hành động này làm xấu đi hình ảnh một nước lớn trong mắt các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các nhà phân tích, quan sát quốc tế nhận định việc Trung Quốc tận dụng “cơ hội chiến lược và tạo ra thực tế mới trên Biển Đông” một lần nữa chứng tỏ nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế, gia tăng áp lực và sự bắt nạt, bất chấp quy định luật pháp quốc tế và yêu sách chính đáng của các nước trong khu vực.
Bằng những động thái vi phạm luật pháp quốc tế như vậy, Trung Quốc đang tự làm suy giảm uy tín và vị thế nước lớn của họ, ảnh hưởng nhất định tới niềm tin và cách nhìn nhận của chính phủ các nước đối với Bắc Kinh. Là một nước lớn và là 1 trong 5 nước uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, lẽ ra Trung Quốc cần có những hành động phù hợp, đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng đáng tiếc, việc này có vẻ còn xa vời, và dư luận quốc tế vẫn đang chờ đợi những thiện chí từ Trung Quốc.