Việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982. Đây là nhận định được ông James Kraska, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ đưa ra trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên VOV.
Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ James Kraska. - Ảnh: VOV |
Theo ông James Kraska, quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là "khu Nam Sa” và "khu Tây Sa” được cho là nhằm thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” mà Trung Quốc công bố hồi năm 2017 thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn bị Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016. Đánh giá về những tính toán của Trung Quốc, ông James Kraska nhấn mạnh: “Cái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm đến lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác. Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc mà chính Trung Quốc cũng đã từng vi phạm vào năm 1974 khi nước này tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cái gọi là "khu Tây Sa” và "khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”.
Theo Giáo sư James Kraska, hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Rõ ràng, Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước phải tập chung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Vì vậy, những hành vi sai trái của Trung Quốc cần sự phản đối mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế.