Tiếp xúc cử tri: rút ngắn khoảng cách giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân

Nguyên Nhung
Chia sẻ
(VOV5) - Mối liên hệ khăng khít với cử tri, nhân dân được Quốc hội xem là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới. 

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho thấy bước chuyển cơ bản trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Thông qua các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, hàng vạn ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được đại biểu chuyển tải trực tiếp tới các bộ, ngành, là cơ sở quan trọng để Chính phủ kịp thời khắc phục những bất cập mà thực tiễn đặt ra. Điều này góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa Quốc hội với người dân.

Tiếp xúc cử tri: rút ngắn khoảng cách giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân - ảnh 1Ông Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: vov.vn

Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri là yêu cầu quan trọng của đại biểu Quốc hội, bởi vậy trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã dành nhiều thời gian cho công tác tiếp xúc cử tri.

Gần dân, sát dân để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Mối liên hệ khăng khít với cử tri, nhân dân được Quốc hội xem là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới. Do vậy, Quốc hội đã luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức (định kỳ, chuyên đề,…) và linh hoạt trong những lúc tình hình khó khăn do dịch bệnh, thiên tai (trực tuyến). Địa điểm tiếp xúc cử tri được tổ chức ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu thực tiễn. Các cuộc tiếp xúc cử tri có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút được sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, số lượng cuộc tiếp xúc đã lên tới hàng vạn cuộc trong cả nước, tạo điều kiện để hiểu dân hơn, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Hàng loạt những vấn đề bức xúc dư luận đã được cử tri thẳng thắn kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc như tiến độ đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh – Hà Đông, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, giá điện tăng; chất lượng sách giáo khoa; hay tình trạng xâm hại trẻ em… Tiếng nói của nhân dân đã tới được nghị trường, được Chính phủ lắng nghe và có sự chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Anh Lê Nam, cử tri quận Thanh Xuân, bày tỏ: “Những vấn đề bức xúc mà chúng tôi đã kiến nghị như giải quyết các điểm úng ngập, phòng cháy, chữa cháy, trật tự xây dựng đô thị hay về phòng chống tham nhũng… đều được các đai biểu gửi đến các cơ quan chức năng và được tiếp thu. Đến nay đã có nhiều chuyển biến”.

Tiếp xúc cử tri: rút ngắn khoảng cách giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân - ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: vov.vn

Tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri

Những vấn đề cử tri gửi gắm đại biểu Quốc hội được Chính phủ và các bộ, ngành tiếp thu hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục trong thực tế. Cũng vì lẽ đó, cử tri cởi mở hơn trong bày tỏ chính kiến của mình, muốn gặp gỡ, tiếp xúc với đại biểu Quốc hội nhiều hơn. Trong bối cảnh trình độ dân trí ngày càng nâng cao, cùng với việc phát triển của khoa học công nghệ việc tiếp cận thông tin của cử tri ngày càng nhanh nhạy hơn, đòi hỏi đại biểu Quốc hội cũng phải luôn đổi mới chính mình để có thể làm tròn trách nhiệm của đại biểu với nhân dân. Ông Nguyễn Lân Dũng, từng tham gia Quốc hội nhiều khóa (khóa X, XI, XII), bày tỏ: “Đại biểu Quốc hội phải hiểu người dân là đối tượng của mình không phải chỉ ở các cuộc tiếp xúc cử tri, chủ động lắng nghe mới nắm được thực chất người dân đang nghĩ gì, đang khó khăn gì, đang mong muốn gì. Mỗi đại biểu có ý thức mình là đại biểu của dân”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, cần chú ý tới tính sinh động, kịp thời, tăng cường giải quyết tại chỗ các vấn đề bức xúc: “Cần nghiên cứu  để tiếp xúc được số lượng cử tri đông hơn, thành phần đa dạng hơn, có nghiên cứu trả lời trực tiếp, kịp thời những vấn đề dư luận, nhân dân bức xúc. Thường những vấn đề dân sinh bức xúc phát sinh ngay tại thời điểm đó cần phải có những ý kiến giải đáp. Đòi hỏi phải có đại diện các sở, ngành của thành phố trả lời trực tiếp ngay tại trận những vấn đề của cử tri. Còn về đại biểu Quốc hội với tầm am hiểu vĩ mô của mình am hiểu địa phương sẽ có thể góp ý thêm”.

Gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm trung tâm, lấy dân làm gốc đã và đang giúp hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, tạo được niềm tin và vị thế, uy tín đối với nhân dân của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Feedback