Chủ tịch nước đã đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định, phát triển đất nước

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch nước đã để lại nhiều dấu ấn trong giữ vững sự ổn định cũng như phát triển đất nước, nhất là việc huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dành sự quan tâm lớn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như góp phần nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tại diễn đàn kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội khẳng định những đóng góp của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 có vai trò quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Chủ tịch nước đã đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định, phát triển đất nước - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Với cương vị là nguyên thủ quốc gia, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cả trong đối nội lẫn đối ngoại.   

Quy tụ đoàn kết dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia

 Nêu cao tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2016 - 2021,  Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước đã đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định, phát triển đất nước - ảnh 2Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trong các chuyến công tác địa phương, cơ sở, tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua kiểm tra, tìm hiểu thực tiễn, Chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội với việc ra lời kêu gọi quốc dân, đồng bào đoàn kết để chống dịch COVID. Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp lòng dân quy tụ về một mối, đồng hành cùng các cơ quan chức năng chống dịch.Trên cương vị là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ  đổi mới công tác nhân đạo để Hội thực sự là cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại, là biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão và khó khăn chồng chất khó khăn”.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân cũng như tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…). Những việc làm này góp phần bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đánh giá: “Đây là nhiệm kỳ mà đất nước đối mặt với nhiều trở ngại rất lớn, phức tạp, khó lường, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, bài bản với những bước đi và cách làm phù hợp để mang lại kết quả cao nhất, vững chắc nhất. Đó còn là sự nỗ lực, quyết tâm trên dưới một lòng để đất nước vẫn luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường”.

Nâng cao vị thế đối ngoại của quốc gia, hội nhập quốc tế

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến biên giới quốc gia, hợp tác thương mại, đầu tư... được tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua.

Chủ tịch nước cũng có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 của Việt Nam, Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã có các hoạt động đối ngoại chủ động và phù hợp, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước. Những đóng góp của người đứng đầu Nhà nước đã góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Feedback