(VOV5) - Hội nghị cấp cao các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 (Hội nghị cấp cao APEC 22) khai mạc hôm nay tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực trong APEC, đóng góp thiết thực vào các nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này.
|
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006 (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Hội nghị cấp cao APEC năm nay có chủ đề “Định hình tương lai thông qua hợp tác châu Á-Thái Bình Dương”. Trong 2 ngày, Hội nghị tập trung trao đổi các nội dung: Kết nối nội khối; Hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, hội nghị năm nay diễn ra tại Trung Quốc, nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, khiến các nền kinh tế thành viên APEC đặt nhiều kỳ vọng về một bước tiến mới, động lực mới đạt được, nhất là trong bối cảnh năm 2014, tình hình thách thức về phát triển, về môi trường hòa bình rõ nét trên toàn thế giới và khu vực.
Chặng đường 25 năm APEC hình thành và phát triển
APEC được thành lập vào năm 1989. Trong 25 năm qua, thông qua diễn đàn, nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những thành tựu đáng kể, cụ thể là giảm thuế 3 lần, thương mại nội khối tăng hơn 3 lần; giao lưu nhân dân và thẻ đi lại của doanh nhân được tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có, tạo động lực lớn để APEC và khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: APEC có những chương trình hết sức thiết thực để phát triển thương mại, ví dụ giai đoạn 2010-2015, APEC có chương trình giảm chi phí và thời gian giao dịch, kết quả là đã giảm được khoảng 5% chi phí giao dịch và khoảng 6% thời gian giao dịch cho các doanh nghiệp. APEC cũng tạo thuận lợi cho việc giao dịch của các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại. Ví dụ như thẻ doanh nhân APEC, giúp các doanh nghiệp các nước thành viên APEC tiếp cận thị trường không cần xin visa. Ngoài ra, APEC còn có hệ thống dữ liệu phong phú về thể chế, số liệu thương mại của tất cả các thành viên, giúp cho các doanh nghiệp khi tiếp cận hệ thống dữ liệu này có thể tiết kiệm được thời gian tìm hiểu thị trường, tìm hiểu thể chế của các nước thành viên trong quá trình giao thương của mình. Đó là những điều hết sức quan trọng mà APEC đã cung cấp cho sự phát triển thương mại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian qua.
Năm 2014 đánh dấu chặng đường 25 năm APEC hình thành và 20 năm APEC thực hiện các mục tiêu về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, APEC 22 là dịp để APEC cùng nhìn lại những thành tựu đạt được sau 25 năm hợp tác và định hướng phát triển trong thời gian tới.
16 năm Việt Nam là thành viên tích cực
Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998. Tham gia APEC đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. 16 năm tham gia, APEC ngày càng chứng tỏ là một cơ chế hợp tác đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nêu rõ: Là một diễn đàn kinh tế mở, APEC đem lại những thỏa thuận mà không mang tính cam kết, rất thuận lợi cho những nước trình độ phát triển còn hạn chế như Việt Nam, để có thể lựa chọn những điều kiện thuận lợi để tham gia. APEC có những cơ chế để đối thoại mở về chính sách, đặc biệt là chính sách thương mại. Đó là cơ chế hết sức thuận lợi cho những nước như chúng ta, một mặt hoàn thiện thể chế thương mại thế giới, đồng thời hoàn thiện thể chế của mình.
Bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Dẫn chứng cho sự hợp tác chặt chẽ này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: APEC là một khu vực có lợi ích sát sườn đối với Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng đầu tư của các nước đầu tư vào VN. 60% thương mại xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên của APEC, 70% du lịch vào Việt Nam cũng là từ các thành viên của APEC. Đây cũng là khu vực chúng ta có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia thành viên. Xuất phát từ các nhận thức đó thì chúng ta rất chủ động, tích cực tham gia APEC.
Tiếp tục phát huy những đóng góp tích cực trong APEC, trong 2 ngày hoạt động tại APEC 22, Chủ tịch nước dự các phiên họp toàn thể, đối thoại theo nhóm, gặp gỡ cấp cao, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện chính sách coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á- Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các thành viên chủ chốt của APEC. Đây cũng là dịp để Việt Nam tranh thủ các chương trình hợp tác phù hợp của APEC để thiết thực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, đặc biệt là bước chuẩn bị để Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 24 vào năm 2015./.