(VOV5)- Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali, Indonesia từ ngày 7-8/10/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang theo một thông điệp rõ ràng: APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
Ngài Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Indonesia đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự Hội nghị APEC. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
APEC 21: Cú hích mới cho hội nhập, liên kết khu vực
Được thành lập từ tháng 11/1989, APEC là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Hiện nay, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.
Hội nghị cấp cao APEC năm nay có chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu”. Trong 2 ngày, Hội nghị tập trung trao đổi các nội dung: Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay và vai trò của APEC trong việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình; Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng: an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về an ninh và kinh tế, chương trình nghị sự kinh tế mang tính xây dựng tại diễn đàn APEC lần này được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích mới cho hội nhập, liên kết khu vực mạnh mẽ hơn.
Theo Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, tại hội nghị lần này, APEC muốn có những đóng góp chung không chỉ đối với các thành viên mà cho cả nền kinh tế toàn cầu. Do đó, để cụ thể hóa thì Hội nghị lần này có các phiên trao đổi về tình hình chung của khu vực kể cả về kinh tế cũng như an ninh chính trị. Cùng đó là trao đổi rà soát lại các mục tiêu thực hiện mục tiêu BOGO trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư ở khu vực.
Chủ động trong tiến trình hội nhập
Đối với Việt Nam, từ khi gia nhập APEC (11/1998), Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cơ chế diễn đàn APEC. Hoạt động hợp tác trong APEC đã góp phần nâng cao vị thế đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ song phương với đối tác quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, đảm nhận vị trí điều hành nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp, nhóm công tác về thương mại điện tử, triển khai thành công hơn 70 sáng kiến trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống khủng bố...
Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: APEC là một khu vực có lợi ích sát sườn đối với Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng đầu tư của các nước đầu tư vào VN. 60% thương mại xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên của APEC, 70% du lịch vào Việt Nam cũng là từ các thành viên của APEC. Đây cũng là khu vực chúng ta có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia thành viên. Xuất phát từ các nhận thức đó thì chúng ta rất chủ động, tích cực tham gia APEC.
Tham gia APEC, Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại với các thành viên APEC, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các hoạt động thường niên của APEC đã giúp Việt Nam kết nối hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực trên cơ sở quan hệ hợp tác cùng có lợi.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung. Điều này đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh rõ trong thông điệp tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012 tại Liên bang Nga: Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.
Nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương
Tiếp tục phát huy những đóng góp tích cực trong APEC, trong 2 ngày hoạt động tại APEC 21, Chủ tịch nước dự các phiên họp toàn thể, đối thoại theo nhóm, gặp gỡ cấp cao, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, nhằm tiếp tục triển khai đường lối của Đại hội Đảng XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện chính sách coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á- Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các thành viên chủ chốt của APEC.
Tham dự các hội nghị cấp cao APEC là dịp để Việt Nam tranh thủ các chương trình hợp tác phù hợp của APEC để thiết thực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam./.