(VOV5) - Việt Nam vừa kết thúc hoạt động trên cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016.
Dấu ấn sâu đậm mà Việt Nam tạo ra trong nhiệm kỳ là đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng nhân quyền LHQ. Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các sáng kiến của Hội đồng nhân quyền LHQ, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền.
|
Quang cảnh một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 12/11/2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm
Mặc dù là thành viên lần đầu tiên tham gia Hội đồng nhân quyền nhưng Việt Nam đã thực sự tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước thành viên khác xử lý tốt các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. Hằng năm, Việt Nam đều tham dự Hội nghị Cấp cao thường niên của Hội đồng nhân quyền LHQ, khẳng định thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như những đóng góp có trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Hình ảnh tích cực của Việt Nam thể hiện thông qua sự nghiêm túc trong thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng nhân quyền. Việt Nam được đánh giá cao không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền, mà còn ở sự nghiêm túc trong thực hiện các cam kết mà Việt Nam chấp nhận. Việt Nam đảm nhiệm vai trò làm điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng nhân quyền, là thành viên tích cực của Nhóm các nước Đồng quan điểm, các Nhóm liên khu vực về quyền của người khuyết tật, tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người... Với sự tín nhiệm của các nước trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành đại diện của khu vực trong Nhóm làm việc về tình hình, nơi xem xét các kháng thư về nhân quyền do Nhóm làm việc cấp dưới đệ trình. Việt Nam cũng thường xuyên đối thoại xây dựng và thẳng thắn với Cao ủy Nhân quyền, các báo cáo viên, chuyên gia đặc biệt của Hội đồng nhân quyền thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đề cao đối thoại và hợp tác
Trong quá trình tham gia Hội đồng nhân quyền LHQ, Việt Nam đề cao quan điểm đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế khác nhau của Hội đồng nhân quyền để khẳng định quan điểm này. Việt Nam xác định việc bảo đảm quyền con người trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia và người dân của mỗi quốc gia sẽ tự quyết định biện pháp bảo đảm quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, lịch sử, văn hóa-xã hội của họ. Theo đó, Hội đồng nhân quyền và hệ thống Liên hợp quốc cần kiến tạo một môi trường thuận lợi cho công cuộc đảm bảo nhân quyền ở mỗi quốc gia. Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại, hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại Hội đồng nhân quyền và luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên của Hội đồng nhân quyền.
Đối thoại và hợp tác đã mở ra cơ hội để Việt Nam xuất hiện và đóng góp ở nhiều nội dung quan tâm của khu vực và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung như bảo đảm quyền phát triển, chống bạo lực và phân biệt đối xử, chống buôn bán người, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Trong nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam là đồng tác giả của hơn 30 nghị quyết về các nội dung này, góp phần nâng cao nhận thức chung của thế giới về các giá trị quyền con người.
Tiếp tục theo đuổi các sáng kiến về nhân quyền
Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ thành viên Hội đồng LHQ, Việt Nam tới đây vẫn sẽ tiếp tục tham gia đóng góp tích cực, thực chất và có trách nhiệm tại các cơ chế nhân quyền LHQ nói chung và Hội đồng nhân quyền nói riêng. Theo đó, Việt Nam tiếp tục đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về nhân quyền. Việt Nam cũng tiếp tục theo đuổi các sáng kiến mà Việt Nam đã đề xuất tại Hội đồng nhân quyền, liên quan đến nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến tương tự hoặc các chủ đề liên quan đến những nội dung này ở các diễn đàn song phương và đa phương như Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC), Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng có thể lồng ghép các nội dung quan tâm trong hoạt động tại các cơ chế của ASEAN, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).
Hiện tại, Việt Nam tập trung hoàn thành vai trò thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Thêm nữa, Việt Nam cũng đang nỗ lực vận động ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Vào thời điểm thích hợp, Việt Nam sẽ xem xét tái cử thành viên Hội đồng Nhân quyền.