Đối thoại là cách tốt nhất để gia tăng hiểu biết về nhân quyền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) – Báo cáo nhân quyền thường niên 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.

(VOV5) – Báo cáo nhân quyền thường niên 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo nhân quyền thường niên 2016, trong đó ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam. Nhưng tiếc là báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự cần thiết phải gia tăng đối thoại nhằm thu hẹp những bất đồng trên thế giới về giá trị nhân quyền ở mỗi quốc gia.

 

Đối thoại là cách tốt nhất để gia tăng hiểu biết về nhân quyền - ảnh 1
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo nhân quyền thường niên 2016


Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

 

Chính sách ưu việt về quyền con người

Một trong các giải pháp mà Việt Nam ưu tiên thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người chính là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Ở mức độ cao nhất, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã dành tới 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Việt Nam quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ". Việc quy định nguyên tắc này là phù hợp với tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế, xuất phát từ bản chất của quyền con người và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 2013 và trong nhiều Luật, văn bản pháp luật khác, Việt Nam cũng đề cao cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng như để ngỏ khả năng hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện các thiết chế và thể chế để việc thúc đẩy, đảm bảo quyền con người trên thực tế.

 

Ở một khía cạnh khác, Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Đến nay, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại… Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm…

 

Thành tựu nhân quyền không thể phủ nhận

Trong hầu hết các khuôn khổ đối thoại và hợp tác về quyền con người cả song phương lẫn đa phương, các nước và các đối tác quốc tế đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam đạt được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Việt Nam chú trọng tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác về vấn đề quyền con người hằng năm với nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU, Australia, Na Uy, Thụy Sĩ… Việt Nam cũng đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại thủ đô Phnompenh của Campuchia (11-2012).

 

Đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn năm 2015; được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (khóa 26), ngày 20-6-2014, đánh giá cao việc thực thi nhân quyền của Việt Nam trong Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam. Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền, là sự chứng thực rằng Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, không chỉ ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quyền con người mà còn được thực hiện trên tất cả các mặt như: Tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục...

 

Trong thế giới đương đại, còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề nhân quyền, song những thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đạt được là bằng chứng không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.Việc duy trì các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa kỳ là biện pháp tốt nhất để chính giới và người dân Hoa kỳ  hiểu rõ hơn về thực tế nhân quyền ở Việt Nam, thu hẹp những bất đồng về giá trị nhân quyền ở mỗi nước. Điều này góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chung của thế giới là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt đẹp hơn.

Feedback