Thúc đẩy hợp tác với Myanmar, tích cực phối hợp trong cơ chế hợp tác ASEAN

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. 
(VOV5) - Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. 

Chủ tịch Quốc hội Myanmar Thura U Shwe Mann hôm nay bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tiếp nối một loạt các hoạt động trao đổi đoàn song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN thời gian qua, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Myanmar Thura U Shwe Mann là một dấu mốc quan trọng, nhằm tạo lập cơ chế phối hợp giữa nghị viện hai nước, tạo điều kiện thuận lợi đưa quan hệ hai nước ngày một phát triển hiệu quả.


Thúc đẩy hợp tác với Myanmar, tích cực phối hợp trong cơ chế hợp tác ASEAN - ảnh 1
Ngài Thura U Shwe Mann, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Myanmar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việt Nam và Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 5/1975 và năm sau, 2015, hai nước sẽ kỷ niệm tròn 4 thập kỷ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Nhiều chuyến thăm cấp cao được tiến hành như chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Thein Sein tháng 3/2012, của Chủ tịch Quốc hội Myanmar Khin Aung Myint tháng 6/2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Myanmar tháng 7/2013. Hai bên cũng tiến hành hai cuộc họp tham khảo Chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao.

Những điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác song phương

Việc Quốc hội Myanmar mới được bầu lại sau 20 năm và đặc biệt, chính phủ Myanmar do Tổng thống Thein Sein đứng đầu đang có những bước đi tích cực trong chính sách đối nội và đối ngoại, đẩy mạnh tiến trình dân chủ và hội nhập, là những điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam và Myanmar tăng cường hợp tác.

Thúc đẩy hợp tác với Myanmar, tích cực phối hợp trong cơ chế hợp tác ASEAN - ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Nguyên Chủ tịch Quốc hội Liên bang Mianma Khin Aung Myint. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Trong chuyến thăm Myanmar tháng 7/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Nguyên Chủ tịch Quốc hội Myanmar Khin Aung Myint đã ký kết Thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên giữa Quốc hội hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác song phương giữa hai bên. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy và giám sát thực hiện các hiệp định, thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước. Hai nhóm nghị sĩ hữu nghị mới được thành lập Việt Nam – Myanmar và Myanmar - Việt Nam là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này.

Phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều

Xét thực tế, về tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar còn phát triển chưa đáp ứng với tiềm năng hai nước. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra là làm sao nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar lên 1 tỷ USD vào năm 2015 và 2,5 tỉ USD vào năm 2020. Việt Nam và Myanmar đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy hợp tác trong một loạt các lĩnh vực từ nông-lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải và năng lượng để chăm sóc sức khỏe và văn hóa. Cụ thể, Việt Nam và Myanmar đang thúc đẩy việc hợp tác kết nghĩa giữa các tỉnh/thành phố hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trong các lĩnh vực lợi thế của mỗi bên. Điển hình như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thúc đẩy hợp tác kết nghĩa với Bang Tauiathayi về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản; tỉnh An Giang đang thúc đẩy hợp tác kết nghĩa với bang Ayeyarwaddy về trồng lúa nước, nuôi và chế biến thủy sản. Ngoài ra, hai thành phố Hồ Chí Minh và Yangoon đã ký kết Bản Ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai thành phố. Bên cạnh đó, hai bên cũng thường xuyên tổ chức các Hội chợ Thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định: Trong quá trình những năm qua, dù còn chưa nhiều nhưng Việt Nam và Myanmar đã tạo được những khuôn khổ hợp tác và những cơ sở hợp tác trên tất cả các mặt kinh tế, thương mại đến chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng. Và chúng ta đang tích cực phát huy hơn nữa những khuôn khổ hợp tác đó.

Phối hợp tích cực trong cơ chế hợp tác ASEAN và các diễn đàn khu vực, quốc tế

Cùng là thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cả Myanmar và Việt Nam đều đang tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực, cũng như các cơ chế khác như Tiểu vùng sông Mekong (GMS) và cơ chế hợp tác Campuchia-Lào-Myamnar-Việt Nam (CLMV). Năm 2014 này, Myanmar đang giữ cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cùng các thành viên khác, tích cực cùng Myanmar hoàn thành tốt vai trò của mình, đưa ASEAN chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Chúng ta khẳng định ủng hộ và tích cực phối hợp chặt chẽ với Myanmar hoàn thành chức năng vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2014. Đó là tăng cường sự đoàn kết của nội khối ASEAN, cũng như tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ cấu của khu vực. Và đặc biệt là để ASEAN có thể tiến tới xây dựng Cộng đồng vào năm 2015.

Trong các vấn đề nổi lên của khu vực thời gian qua như vấn đề Biển Đông, Myanmar cũng luôn nhất quán lập trường chung của ASEAN, đó là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng Luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và trên hết là phải giữ vững sự đoàn kết trong khối. Trong bối cảnh, Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 vào năm 2015, quan hệ giữa Việt Nam-Myanmar nói chung, nghị viện hai nước nói riêng chắc chắn sẽ để lại những dấu mốc mới./.


Feedback