Thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược để phục vụ phát triển kinh tế

Hồng Vân (Tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định, phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc họp lần thứ 3 với các bộ, ngành, lãnh đạo 13 địa phương để thúc đẩy hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long. Người đứng đầu Chính phủ cũng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược để phục vụ phát triển kinh tế   - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh.vn

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định, phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm “đi trước mở đường” được xem là mũi nhọn đột phá.

Những chỉ đạo cụ thể đối với giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Đó là: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, Thủ tướng trực tiếp 5 lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo Phó Thủ tướng và các bộ trưởng 3 lần trực tiếp làm việc tháo gỡ khó khăn về vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều. Tuy nhiên việc giải phóng mặt bằng cần được giải quyết dứt điểm trong tháng 7 này để hoàn thành toàn bộ các dự án.

Người đứng đầu chính phủ chúc mừng 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long sau 3 năm tích cực triển khai bước đầu đã hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo đúng tinh thần đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc và giao mục tiêu tiến độ đối với từng dự án, trong đó, tập trung cho 2 tuyến cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây: "Nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ này là phát triển đột phá về hạ tầng. Chúng tôi phải làm, địa phương phải làm, tinh thần phải tổng lực. Chúng ta sẽ lấy lại được tiến độ và vượt tiến độ. Song song với tiến độ là đảm bảo chất lượng, song song với chất lượng là chăm lo đời sống cho người dân".

Về vốn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tính toán kỹ để báo cáo cấp thẩm quyền. Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cùng chung tay hỗ trợ triển khai dự án, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tập trung giải quyết dứt điểm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất cho thi công các dự án.

Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải hiện đại, hiệu quả

Hiện trên trục giao thông Bắc – Nam của Việt Nam có 3 tuyến đường bộ (gồm quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng - an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối sản xuất với tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng, các quốc gia, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc Chính phủ Việt Nam quyết liệt triển khai các dự án đường bộ cao tốc, nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn cho nhiều vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Feedback