Hà Giang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế

Huyền+CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển hạ tầng giao thông ở Hà Giang là hướng đi đúng đắn, đột phá của tỉnh Hà Giang, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối là một trong ba đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định để thúc đẩy sự phát triển của Hà Giang. Do đó, tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được tỉnh triển khai thực hiện thời gian qua góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, làm tiền đề để Hà Giang bứt phá mạnh mẽ.

Với vai trò, vị trí là tỉnh biên giới, nơi địa đầu của cực Bắc, trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang là địa phương được quan tâm, đầu tư, nâng cấp hạ tầng tạo nên mạch nguồn giao thông thông suốt, tăng tính kết nối, mở ra không gian phát triển mới.

Hà Giang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế  - ảnh 1Tháng 10/2023, Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 chính thức được khởi công. Trong ảnh: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có điểm đầu tiếp giáp với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, trong đó, tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao.

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết: "Thực hiện và cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chúng tôi tiếp tục bám sát quan điểm là tăng cường huy động và phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh."

Tháng 10/2023, Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 chính thức được khởi công. Đây là công trình có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội Hà Giang, góp phần hình thành hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng tới các tỉnh miền núi phía Bắc. Do tính chất quan trọng đó, tỉnh Hà Giang đã khẩn trương bố trí nguồn lực, chỉ đạo các đơn vị địa phương phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng đền bù giải phóng mặt bằng giao cho nhà thầu thi công dự án.

Ông Đào Ngọc Huấn, chỉ huy trưởng gói thầu số 3 xây lắp, Tổng công ty Vinaconex, thi công đoạn Vĩnh Tuy-Bắc Quang, cho biết: "Đơn vị tìm cách và triển khai những biện pháp thi công tối ưu nhất để thi công 3 ca liên tục, đảm bảo cho công tác điều phối vật liệu trên tuyến thuận lợi, cũng như đảm bảo an toàn chất lượng và tiến độ cho gói thầu."

Cùng với dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1, các dự án cải tạo nâng cấp 7 tuyến đường nội tỉnh, cũng là dẫn chứng thuyết phục của chủ trương đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Giang. Đây là những tuyến đường quan trọng, không những kết nối từ thành phố Hà Giang đi các huyện, mà còn kết nối khu vực biên giới, phục vụ thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch.

Đối với Hà Giang, đặc biệt là những huyện vùng sâu vùng xa, việc kết nối hạ tầng giao thông rất khó khăn, phức tạp. Nhưng nhờ sự đồng lòng của người dân và chính quyền chung mục tiêu hướng tới thay đổi bộ mặt đời sống cho người dân vùng cao, những con đường dần hình thành. Nhờ có các tuyến đường liên thôn, liên bản, kinh tế xã hội của các địa phương trong tỉnh ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ tịch UBND xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Tỉnh đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống đường xá, từ Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh rất thuận lợi. Những cung đường đẹp thu hút được ngày càng nhiều du khách đến với Hà Giang."

Cùng với Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 26/3, Đập dâng nước sông Lô, Công viên cây xanh, các công trình tạo thành hệ thống các điểm nhấn đô thị, mang lại diện mạo mới, xanh - bản sắc - hiện đại cho thành phố Hà Giang.

Tỉnh cũng đề xuất bổ sung sân bay lưỡng dụng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Hà Giang tập trung lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để làm đường bê tông nông thôn mới ở 11 huyện, thành phố với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phấn đấu đến năm 2025, 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới.

Hà Giang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế  - ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Kim Tiến

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định: "Bằng cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho các xã biên giới để có hệ thống giao thông đạt chuẩn nông thôn mới. Việc phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vững chắc cho tỉnh Hà Giang."

Phát triển hạ tầng giao thông ở Hà Giang là hướng đi đúng đắn, đột phá của tỉnh Hà Giang, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng. Bức tranh về mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã và đang có thêm những mảng màu tươi sáng, thông qua việc hoàn thành các mục tiêu dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối đã đề ra. Đây chính là nền tảng là tiền đề quan trọng để tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.

Feedback