Các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mới đây đã đưa ra Kế hoạch xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (Buil Back Better World - B3W) giúp các nước thu nhập thấp và trung bình xây dựng hạ tầng, cung cấp quan hệ đối tác "định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch". Tuy nhiên, nỗ lực này hiện gặp nhiều thách thức và liệu kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được triển khai ở mức độ nào vẫn là một ẩn số.
Kế hoạch xây dựng thế giới tốt đẹp hơn có phạm vi toàn cầu, từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các đối tác G7 khác nhau sẽ có các định hướng địa lý khác nhau, nhưng tổng thể của sáng kiến sẽ bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.
hủ tướng Anh Boris Johnson (trái) ngồi cạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp của G7 ngày 11-6. Ảnh: REUTERS |
Hướng tới Kế hoạch xây dựng thế giới tốt đẹp hơn
Kế hoạch tái thiết toàn cầu được thông báo trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 diễn ra trung tuần tháng 6 vừa qua, tức là có sự đồng thuận đa phương. Phát triển cơ sở hạ tầng được coi là xương sống của dự án nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước kém phát triển có phương tiện xây dựng cở hạ tầng. Tất cả dựa trên nguyên tắc: các dự án đầu tư phải được minh bạch. Đó cũng phải là những chương trình hợp lý về mặt tài chính, tránh đẩy các nước nghèo lún sâu vào cảnh nợ nần. 3 lĩnh vực được 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đề xuất dành ưu tiên giúp các nước nghèo là khí hậu, y tế, phát triển công nghệ kỹ thuật số, trong đó sẽ tôn trọng các thỏa thuận về khí hậu, môi trường.
G7 cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự này với sự cộng tác của các quốc gia khác và trong hệ thống đa phương, hợp tác với các đối tác thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) và tất cả các tổ chức quốc tế để đảm bảo một tương lai sạch hơn, xanh hơn, tự do hơn, công bằng hơn và an toàn hơn cho con người và Trái đất.
Triển khai không dễ dàng
Kế hoạch xây dựng thế giới tốt đẹp hơn là tin vui với các nước nghèo nhưng hiện tại chưa có nhiều thông tin cụ thể. Theo giới chuyên gia, nhược điểm của B3W trước mắt là các bên chưa đưa ra những con số cụ thể về cách tài trợ cho chương trình này. Việc triển khai B3W của G7 còn gặp khó khăn khi các nền kinh tế G7 vẫn đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Việc nước Anh cắt giảm khoản viện trợ nước ngoài thể hiện sự khó khăn mà xứ sở sương mù đang phải đối mặt, đồng thời cho thấy những mối lo về khả năng các nước huy động đủ vốn để duy trì sáng kiến này, nhất là trong bối cảnh các dự án về cơ sở hạ tầng yêu cầu lượng vốn lớn đến từ khu vực tư nhân của các nước thành viên. Với những khó khăn này, nhiều khả năng các dự án của B3W có thể sẽ tiến triển một cách chậm chạp.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 họp ngày 11-6 tại Cornwall, Vương quốc Anh
- Ảnh: G7 UK/Twitter |
Riêng về phía Hoa Kỳ, Washington đã có hẳn một ngân sách viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước nghèo và chính quyền Biden đang vận động Quốc Hội để tăng thêm ngân sách cho khâu này. Washington sẽ tìm cách huy động toàn bộ tiềm lực từ các công cụ tài chính phát triển của mình, gồm Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ (EXIM), tập đoàn Millennium Challenge, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, cùng các cơ quan khác như Quỹ Tư vấn Giao dịch…
Thông báo từ Nhà Trắng khẳng định, "ngoài hàng tỉ USD mà Mỹ huy động để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua các công cụ song phương và đa phương hiện có, chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội để tăng cường bộ công cụ tài chính phát triển của mình với hy vọng rằng cùng với khu vực tư nhân, các bên liên quan khác của Mỹ, và các đối tác G7, B3W sẽ xúc tác hàng trăm tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới”.
Đối với các nước đang phát triển, thu nhập thấp muốn tham gia dự án có thể phải chấp nhận những điều kiện liên quan tới nhân quyền, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng và một số quy định luật pháp khác...Đây cũng được cho là thách thức với các nước G7 khi muốn thuyết phục nhiều quốc gia tham gia dự án. G7 cần phải truyền đi thông điệp rằng, dự án này khá sát sườn với lợi ích chiến lược của các quốc gia đang phát triển.
Việc G7 đưa ra Kế hoạch xây dựng thế giới tốt đẹp hơn là mục tiêu đầy tham vọng bởi nó không chỉ là một công cụ về kinh tế - phát triển, đây còn là vấn đề cạnh tranh chiến lược. Để thực thi được Kế hoạch này là điều không dễ dàng.