Quan hệ Mỹ-Iran bước vào thời kỳ căng thẳng mới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nội dung thỏa thuận hạn chế Iran phát triển các cơ sở hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ - Iran liên tục bị đẩy lên cao trong những ngày gần đây do các biện pháp trả đũa lẫn nhau của hai bên. Trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều diễn biến bất ổn, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể làm dấy lên những mối lo ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran, từ đó ảnh hưởng tới hòa bình khu vực và thế giới.

Quan hệ Mỹ-Iran bước vào thời kỳ căng thẳng mới - ảnh 1Quốc kỳ hai nước Mỹ và Iran. Ảnh: Internet

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 22/7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp đặt một lệnh trừng phạt mới lên Iran, nếu những công dân Mỹ đang bị bắt giam tại Iran không được trả tự do và về nước. Ba công dân Mỹ, trong đó bao gồm cựu nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan tình báo trung ương (CIA), bị bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp. Trước đó, một công dân Mỹ 37 tuổi làm việc tại Đại học Princeton cũng bị chính quyền Iran kết án 10 năm tù giam với tội danh "xâm nhập”. Chính phủ Iran bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi thả các công dân của nước này bị giam giữ với lý do "không có quyền kiểm soát tòa án", đồng thời lên án Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Iran và những yêu cầu đó là không thể chấp nhận.

Quan hệ Mỹ-Iran bước vào thời kỳ căng thẳng mới - ảnh 2 ảnh 2: Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. 

Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới lên Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Washington còn chỉ trích Tehran góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Trong khi đó, Iran cho rằng hợp đồng quân sự trị giá 110 tỷ USD giữa Mỹ và Arab Saudi được ký kết hồi tháng 5 vừa qua, là một mối đe dọa tới Tehran. Giữa lúc hai bên liên tục đáp trả qua lại thì Tehran lại tiến hành sản xuất một loại tên lửa mới. Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Iran mới đây khẳng định tên lửa này đạt độ cao 27 km và bay khoảng 120 km, có thể nhằm vào các mục tiêu như chiến đấu cơ, các phương tiện máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng. Tất cả những diễn biến này đẩy quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran vào vòng xoáy căng thẳng.

Sự nồng ấm ngắn ngủi

Quan hệ giữa Mỹ và Iran từng có một thời gian ngắn được cải thiện. Đó là kể từ sau khi Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân tháng 7/2015. Thỏa thuận được đánh giá là mang tính lịch sử, chấm dứt 12 năm đàm phán cam go. Nội dung thỏa thuận hạn chế Iran phát triển các cơ sở hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Trong khi thỏa thuận này được xem là thành tựu đối ngoại nổi bật trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, ngăn được Iran sở hữu một quả bom hạt nhân và một cuộc chiến không mong đợi ở vùng Vịnh, thì kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trumph lại liên tục chỉ trích thỏa thuận và cho rằng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn với Iran. Không chỉ miêu tả thỏa thuận hạt nhân là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng thấy”, Tổng thống D.Trumph thậm chí từng bày tỏ ý định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.

Cho đến nay, qua hai lần sát hạch kiểm tra việc thực thi thỏa thuận, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump khẳng định Iran đang tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân nhưng chưa đủ và cần đánh giá lại thỏa thuận một cách toàn diện. 

Thêm căng thẳng cho khu vực Trung Đông

Với động thái tăng cường trừng phạt kinh tế Iran, Mỹ thể hiện rõ quan điểm của mình về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Iran. Việc vừa thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách “hai mặt” đối với Iran. Một mặt cố gắng tăng áp lực lên Iran trong khi vẫn giữ thỏa thuận giữa Tehran và 6 cường quốc thế giới. Trong khi đó, Iran cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ duy trì quyền đáp trả Mỹ nếu trong tương lai Washington không thực thi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc nhóm P5+1, trong đó có Mỹ. Quan hệ Mỹ - Iran dự kiến sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới và nhiều khả năng sẽ cần các cuộc tiếp xúc giữa hai bên về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Iran trong tương lai.

Một thỏa thuận đạt được sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng từng đẩy các bên tới bờ vực một cuộc chiến tranh trong những năm 2000, đang đối diện với những thử thách mới. Căng thẳng Mỹ-Iran khiến khu vực Trung Đông vốn nhiều mâu thuẫn, phức tạp đan xen càng thêm bất ổn.

Feedback