Những nỗ lực hòa giải của nhiều bên đang tích cực được triển khai nhằm hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar với các quốc gia Arab vốn đã kéo dài hơn 1 tháng qua.
Theo quan điểm của 4 nước Arab, Al-Jazeera là hãng truyền thông “chiến tranh hiện đại” đã châm ngòi cho tình trạng hỗn loạn trong khu vực. Ảnh: AP.
|
Khủng hoảng nổ ra đầu tháng 6 khi các quốc gia Arab cáo buộc Qatar có quan hệ với các nhóm khủng bố. Từ đó đến nay, xung đột chưa có dấu hiệu lắng dịu khi các bên đều tỏ thái độ cứng rắn, không nhượng bộ.
Thái độ cứng rắn của các bên
Cho tới nay, cùng với chính sách phong tỏa về ngoại giao, các quốc gia Arab vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu còn thực thi một loạt biện pháp cô lập về kinh tế, tài chính, ngân hàng, giao thông (đường không, đường bộ và đường biển), nhằm gia tăng sức ép buộc Qatar phải thay đổi chính sách liên quan đến các vấn đề khu vực. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc 4 nước láng giềng Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách buộc Qatar thực hiện để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ. Trong đó buộc Doha chấp nhận những điều kiện như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và chấm dứt tài trợ các tổ chức như Anh em Hồi giáo.
Trong khi các nước Arab đe dọa siết chặt lệnh trừng phạt với Qatar, Doha tuyên bố có đủ tài lực và vật lực sẵn sàng đối phó với mọi thách thức. Doha coi "tối hậu thư" này không nhằm mục đích giải quyết vấn đề khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu Doha. Qatar cũng thể hiện thái độ kiên quyết kiểu "ăn miếng trả miếng", một mặt bác bỏ cáo buộc của các nước Arab, mặt khác đưa ra "điều kiện ngược lại" và đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), liên minh kinh tế và chính trị liên chính phủ của các nước Arab vùng Vịnh. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 11/7, Qatar đặt ra thời hạn 3 ngày cho các quốc gia vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar và bồi thường những thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế mà Doha phải gánh chịu. Trong một bức thư gửi tới Tổng thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nêu rõ hết thời hạn này, Qatar sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi GCC, đồng thời nhấn mạnh Qatar sẽ không có trách nhiệm thương lượng vấn đề chủ quyền của nước mình.
Nỗ lực tháo ngòi căng thẳng
Chiến tranh và xung đột là điều không mong muốn bởi nó ảnh hưởng đến nhiều bên và gây ra những thiệt hại nặng nề không chỉ riêng quốc gia nào trong khu vực. Do vậy, các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ khủng hoảng vùng Vịnh đang được triển khai tích cực. Đi đầu là Kuwait, nước này cho biết sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ngoại giao trầm trọng ở khu vực. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đang có chuyến công du 4 nước vùng Vịnh, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah bày tỏ hy vọng sẽ mở ra các vòng đàm phán giữa các bên liên quan. Hai bên đều nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang gây nên các hậu quả về nhân đạo không lường trước, ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS mà Mỹ đang dẫn đầu. Các nước Arab cần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Qatar trước khi tiến hành các cuộc đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng thực hiện các chuyến "ngoại giao con thoi" tới các nước vùng Vịnh, bắt đầu từ 15/7 tới, nhằm góp phần làm giảm căng thẳng trong khu vực. Thông qua các chuyến thăm khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn có thể góp phần tái lập đối thoại. Trong vòng 2 tuần tới, nhằm hỗ trợ khó khăn cho Qatar khỏi các biện pháp trừng phạt, Iran lên kế hoạch thiết lập một tuyến hàng hải trực tiếp từ cảng Buse của Iran tới Qatar nhằm mở rộng trao đổi thương mại phi dầu mỏ, đồng thời xuất khẩu thực phẩm sang Qatar thông qua tàu biển và đường không.
Có thể nói, diễn biến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh rất khó dự báo, song kịch bản "xung đột vũ trang toàn diện" giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh ít có khả năng xảy ra. Với cố gắng trung gian hoà giải của Quốc vương Al-Sabah Ahmed Al-Sabah của Kuwait, với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đối thoại hoà bình, hy vọng tình hình sẽ dần dần đi theo chiều hướng tích cực hơn, các bên liên quan sẽ tìm ra giải pháp hợp tình, hợp lý cho cuộc xung đột, bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi nước, vì hoà bình, anh ninh và ổn định ở khu vực vùng Vịnh và Trung Đông.