Phát triển nhà ở xã hội: đảm bảo an sinh, thúc đẩy tăng trưởng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Nếu tính trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có gần 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, quy mô hơn 410 nghìn căn, trong đó 72 dự án đã hoàn thành.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Phát triển nhà ở xã hội là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội đồng thời là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách tháo gỡ.

Phát triển nhà ở xã hội: đảm bảo an sinh, thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.

Những kết quả ban đầu

Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển nhà ở xã hội: đảm bảo an sinh, thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng ban hành đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Các ngân hàng đã bố trí chương trình 120.000 tỉ đồng (hơn 5 tỷ USD) để triển khai đề án này. Đến nay, 28 địa phương công bố 68 dự án đủ điều kiện đáp ứng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng (gần 1,3 tỷ USD). Các ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án.  Bộ Xây dựng đánh giá nguồn vốn hỗ trợ bước đầu đã có kết quả.

Nếu tính trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có gần 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, quy mô hơn 410 nghìn căn, trong đó 72 dự án đã hoàn thành.

Về quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, đến nay, Việt Nam đã quy hoạch hơn 8.600 ha làm nhà ở xã hội. So với 4 năm trước (năm 2020), diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 5.252 ha. Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh,  Long An, Hải Phòng, Hà Nội.

130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024

3 năm qua, mặc dù 72 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành nhưng chỉ có hơn 38 nghìn căn. Nếu so với tổng số chỉ tiêu thì lượng dự án nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ thấp.

Trong Nghị quyết số 01, ban hành tháng 01 năm nay về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đã giao hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu của năm nay cũng như mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (đến năm 2030), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại”.

Phát triển nhà ở xã hội: đảm bảo an sinh, thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 3Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, cho biết: sẽ tập trung mạnh phát triển nhà ở xã hội song song với nhà ở công nhân. Trong năm 2024 này, tỉnh Bình Dương ưu tiên khởi công thực hiện 10.000 căn nhà ở xã hội: “Trong Quý 1 năm nay, chúng tôi khởi công 2000 căn hộ. Về nguồn vốn, Tỉnh ưu tiên cân đối các nguồn lực, kêu gọi sự đồng hành của các ngân hàng thương mại để triển khai, thực hiện các dự án này. Trong quá trình thực hiện này, Becamex thấy lãi vay cho người lao động vẫn còn cao, thời gian vay ngắn. Nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội”.

Việt Nam đang từng bước triển khai Đề án hướng xây 1 triệu căn hộ đến năm 2030. Mặc dù còn nhiểu khó khăn cần tháo gỡ song đây là một chủ trương có tính nhân văn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Feedback