Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại dải Gaza rơi vào bế tắc

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Các nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột tại dải Gaza tiếp tục rơi vào bế tắc khi một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao những ngày gần đây không mang lại kết quả. 

Thực tế này cho thấy sự chia rẽ giữa phương Tây với thế giới Arab, đồng thời buộc cộng đồng quốc tế phải chú trọng hơn cho việc ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại vùng đất này.

Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại dải Gaza rơi vào bế tắc - ảnh 1Cột khói bốc lên tại thành phố Gaza sau đòn không kích của Israel hôm 21/10. Ảnh: AFP

Cuối tuần qua, liên tiếp 2 cuộc gặp cấp cao nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại dải Gaza đã diễn ra. Ngày 21/10, tại thủ đô Cairo (Ai Cập), là cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo các quốc gia Arab, châu Âu, Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế lớn và 1 ngày sau đó (22/10) là cuộc họp trực tuyến giữa nguyên thủ các cường quốc phương Tây, bao gồm; Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada. Tuy nhiên, cả hai sự kiện ngoại giao lớn này đều không mang lại một giải pháp khả quan nào cho cuộc xung đột đang leo thang hiện nay tại dải Gaza.

Chia rẽ giữa phương Tây và thế giới Arab

Trong thông cáo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Cairo hôm 21/10, người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập, Ahmed Fahmy, cho biết kết quả lớn nhất mà Hội nghị này đạt được là tăng cường sự hiểu biết giữa các nước. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đó chỉ là cách nói khác để né tránh một thực tế là Hội nghị đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu quan trọng nhất là thiết lập được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại dải Gaza.

Quan điểm của các nước Arab và các nước phương Tây về các diễn biến hiện nay tại dải Gaza vẫn còn nhiều khác biệt. Phía các nước phương Tây muốn đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị những lời lên án mạnh mẽ nhất đối với vụ tấn công của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và công nhận quyền tự vệ của Israel, trong khi các nước Arab muốn phương Tây cũng phải có sự lên án tương tự đối với các thiệt hại sinh mạng nghiêm trọng của thường dân Palestine ở dải Gaza cũng như việc phong tỏa toàn diện dải Gaza. Hai bên đã không thể tìm được mức độ lên án thích hợp sau nhiều giờ thảo luận, khiến Hội nghị kết thúc mà không đạt được bất cứ kết quả nào đáng kể.

Về sâu xa, giới quan sát cho rằng mặc dù hầu hết các nước phương Tây đều mong muốn hồi sinh tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine để giải quyết tận gốc xung đột nhưng vào thời điểm hiện nay, các nước này cũng ủng hộ tương đối rõ ràng việc chính phủ Israel triển khai chiến dịch quân sự tại dải Gaza để tiêu diệt lực lượng Hamas. Minh chứng cho điều này là trong Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến hôm 22/10, tức chỉ 1 ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình tại Cairo, nguyên  thủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada khẳng định ủng hộ quyền tự vệ của Israel và chỉ kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường, không nhắc đến việc ngừng bắn ngay lập tức.

Theo nhiều chuyên gia, cách tiếp cận này của phương Tây có thể làm gia tăng chia rẽ, bất đồng với thế giới Arab. Hiện, các quốc gia Arab đang ngày càng lo ngại các tác động của xung đột tại dải Gaza và không chấp nhận hy sinh lợi ích của mình nếu phương Tây không đồng ý về một giải pháp tổng thể. Ví dụ rõ nhất là Ai Cập, quốc gia đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao hiện nay tại Trung Đông. Tại Hội nghị ở Cairo, Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah Al-Sisi, tuyên bố nước này không chấp nhận kịch bản phải đón nhận hàng trăm ngàn dân Palestine ở dải Gaza bị ép phải chạy nạn sang bán đảo Sinai của nước này: “Tôi có thể đảm bảo rõ ràng và thành thực với thế giới về ý nguyện của người dân Ai Cập, đó là trong bất cứ trường hợp nào, một giải pháp cho vấn đề Palestine sẽ không thể thực hiện nếu phải trả giá bằng lợi ích của Ai Cập”.
Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại dải Gaza rơi vào bế tắc - ảnh 2Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Cairo, ngày 21/10/2023. Ảnh: Khaled Desouki/AFP/Getty Images

 

 Cứu trợ nhân đạo là vấn đề quan trọng nhất

 Trong bối cảnh bế tắc hiện nay, khi việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn ngay lập tức không khả thi, cộng đồng quốc tế phải hướng các nỗ lực ngoại giao sang việc ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza.

Phát biểu tại Luxemburg ngày 23/10 khi triệu tập cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, tuyên bố điều quan trọng nhất hiện nay là phải duy trì được các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại dải Gaza. Theo ông Borrell, ngay cả khi không có chiến sự, dải Gaza cũng được cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men bởi hơn 100 xe tải mỗi ngày. Do đó, việc mới chỉ có vài chục xe tải nhân đạo được tiến vào dải Gaza trong vài ngày qua là không đủ: “Điều quan trọng nhất hiện nay là kêu gọi cho các hoạt động nhân đạo được diễn ra tại Gaza. Cá nhân tôi nghĩ rằng cần thiết phải có một sự tạm ngưng xung đột vì lí do nhân đạo để cho phép các chuyến hàng nhân đạo được vận chuyển vào Gaza và được phân phối cho người dân. Hãy nghĩ đến việc một nửa dân số tại Gaza đã phải rời khỏi nhà của mình”.
Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại dải Gaza rơi vào bế tắc - ảnh 3Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, Josep Borrell, rung chuông thông báo bắt đầu cuộc họp của hội đồng đối ngoại tại Luxembourg vào ngày 23/10/2023. Ảnh: Julien Warnand/EPA

Trợ giúp nhân đạo cũng là một trong những trọng tâm trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ, Joe Biden với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, hôm 22/10. Sau cuộc điện đàm, Nhà Trắng cho biết Mỹ và Israel đã nhất trí đảm bảo các chuyến xe tải nhân đạo sẽ tiếp tục được tiến vào Gaza. Tính đến hết ngày 23/10, đã có 34 xe tải nhân đạo được phép vận chuyển hàng vào dải Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Tuy nhiên, các cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên hiệp quốc (LHQ) cho rằng số hàng được vận chuyển vào Gaza hiện chỉ đáp ứng được khoảng 4% nhu cầu của người dân tại đây. Ngoài ra, LHQ cũng kêu gọi phía Israel cho phép vận chuyển nhiên liệu vào dải Gaza nhằm phục vụ công tác cứu thương và duy trì hoạt động của các cơ sở y tế.

Trong tuần này, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến cũng sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận về lời kêu gọi tạm ngưng xung đột vì lí do nhân đạo, do Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterrres, đưa ra mới đây. Cho đến nay, sau hơn 2 tuần xung đột bùng nổ tại dải Gaza, các dự thảo nghị quyết tại HĐBA LHQ về cuộc xung đột này đều gây ra tranh cãi và chia rẽ giữa các thành viên chủ chốt của HĐBA

Feedback