Vào thời điểm hiện tại, các chuyên gia kinh tế đánh giá xung đột chỉ có tác động hạn chế đến kinh tế thế giới nhưng lo ngại các tác động nghiêm trọng hơn nếu tình hình tại Gaza vượt tầm kiểm soát
Cuộc chiến tại dải Gaza đã bước sang tuần thứ hai với các diễn biến ngày càng khốc liệt và khó lường. Bên cạnh những thiệt hại nhân mạng lớn từ cả hai phía cùng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, thế giới ngày càng lo ngại các tác động kinh tế khó lường của xung đột này nếu tình hình vượt tầm kiểm soát.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel tại Gaza hôm 7/10. Ảnh: Reuters |
Tác động hạn chế trong ngắn hạn
Trong tuần qua, những lo ngại về xung đột ở Gaza đã ảnh hưởng đến giá trị của nhiều loại tài sản, đẩy các thị trường chứng khoán chìm trong “sắc đỏ", với việc hàng loạt các mã chứng khoán lớn sụt giảm mạnh. Ngược lại, vàng - tài sản trú ẩn an toàn - đã chứng kiến giá tăng 3% trong phiên 13/10 và USD - đồng tiền thanh toán phổ biến nhất thế giới - đã chạm ngưỡng cao nhất trong một tuần. Ngoài ra, bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này, nhà sản xuất năng lượng khổng lồ Chevron (Mỹ) mới đây đã tuyên bố dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống dẫn khí ngầm nối Israel và Ai Cập.
Bà Kristalina Georgieva, người đứng đầu IMF, cảnh báo về một “đám mây che phủ nền kinh tế toàn cầu”. Ảnh: EPA |
Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới tại phiên giao dịch cuối tuần qua (13/10) kết thúc mà gần như không có thay đổi quá nhiều về giá so với hôm đầu tuần, ở mức khoảng 90 USD/thùng đối với dầu Brent biển Bắc và khoảng 87 USD/thùng với dầu ngọt nhẹ WTI. Theo Ben Cahill, chuyên gia về an ninh năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), phản ứng tương đối nhẹ của thị trường năng lượng thế giới cho thấy ở thời điểm này, xung đột tại Gaza chỉ có tác động hạn chế, do cả Israeal lẫn dải Gaza đều không phải là các nơi sản xuất dầu lớn của thế giới và xung đột vẫn đang được kiểm soát trong một phạm vi địa lý hẹp. Paul Nolte, chiến lược gia về thị trường của Công ty Murphy& Sylvest (Mỹ), thì cho rằng hiện nay các nhà đầu tư lớn trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến việc liệu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục tăng lãi suất hay không, hơn là tình hình chiến sự tại Gaza.
Tờ báo kinh tế danh tiếng Bloomberg (Mỹ) phân tích một cuộc xung đột tương tự đã diễn ra giữa Israel và lực lượng Hamas vào năm 2014 và khi đó sự biến động giá dầu cũng như tác động của xung đột này với kinh tế thế giới là khá mờ nhạt, do chiến sự được gói gọn trong dải Gaza. Vì thế, theo các kịch bản được Bloomberg nêu ra, nếu xung đột hiện nay không lan rộng ra ngoài dải Gaza, giá dầu thế giới sẽ chỉ tăng tối đa 3-4 USD/thùng, lạm phát trung bình trên thế giới có thể tăng thêm 0,1 điểm % và GDP thế giới cũng sẽ chỉ giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tuần qua (9-15/10) tại Marrakech (Morocco), các lãnh đạo của WB và IMF cũng không quá lo lắng về tác động trực tiếp hiện nay của xung đột tại Gaza. Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho rằng xung đột tại Gaza làm gia tăng sự bất an cho nền kinh tế thế giới vốn đang có nhiều yếu tố mong manh:
“Chúng ta đã thấy giá dầu biến động trong những ngày qua, chúng ta cũng đã chứng kiến các phản ứng của thị trường. Chúng tôi đang theo dõi kỹ các diễn biến này và rõ ràng, đây là một bóng mây đen đối với một viễn cảnh không phải quá sáng sủa với kinh tế thế giới”.
Bất trắc về dài hạn
Không quá lo ngại về tác động kinh tế hiện nay của xung đột tại Gaza nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng tình hình sẽ khác nếu xung đột không được kiểm soát. Cuối tuần trước (13/10), giá dầu tương lai đã tăng khoảng 6% do các nhà đầu tư lo ngại về các diễn biến khó lường tại Gaza.
Trong kịch bản xấu nhất, tức xung đột tại Gaza vượt tầm kiểm soát, Bloomberg cho rằng giá dầu thế giới có thể tăng lên đến trên 150 USD/thùng, khiến lạm phát trung bình trên thế giới chạm ngưỡng 6%, từ đó khiến thế giới mất đi 1 điểm % tăng trưởng vào năm tới. Khi đó, tăng trưởng GDP thế giới năm sau sẽ bị hạ xuống chỉ còn khoảng 1,7%, mức thấp nhất từ năm 1982 nếu không tính giai đoạn đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, cũng nhận định mỗi khi giá dầu tăng khoảng 10%, lạm phát thế giới sẽ tăng 0,4 điểm % và thế giới mất đi 0,15 điểm tăng trưởng.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo về sự bất trắc này: “Có một điều không chắc chắn là liệu cuộc xung đột hiện nay có lan rộng ra khu vực hay không. Nếu điều này diễn ra thì kinh tế thế giới sẽ chịu tác động rất lớn. Ngoài ra, cũng có một sự không chắc chắn về việc xung đột hiện nay sẽ kết thúc ra sao. Những gì đã xảy ra là một điều bất hạnh và chúng tôi hy vọng mọi hành động bạo lực hiện nay sẽ chấm dứt”.
Điều đáng chú ý hơn hiện nay, theo nhiều chuyên gia, đó là các bất an về mặt vĩ mô với kinh tế thế giới. Theo chuyên gia kinh tế quốc tế Brennan McKenna, đến từ ngân hàng Wells Fargo (Mỹ), xung đột hiện nay tại Gaza đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa vốn đang ngày càng rõ ràng hơn sau đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, đồng thời đe dọa sự phục hồi kinh tế mong manh tại một số khu vực, đặc biệt tại Mỹ và Liên minh châu Âu.