Ngã rẽ bất ngờ trong đàm phán Mỹ - Taliban

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng thống Mỹ từng hi vọng đàm phán giữa Hoa Kỳ và phiến quân Taliban với sự tham gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David diễn ra suôn sẻ.

Một ngày sau khi hủy cuộc đàm phán hòa bình bí mật tại trại David với lãnh đạo Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về một dự thảo thỏa thuận thúc đẩy hòa bình tại Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố thỏa thuận hòa bình với Taliban đã “chết yểu”. Đây là điều bất ngờ khi Mỹ và Taliban nỗ lực tìm tiếng nói chung trong suốt 1 năm qua và khiến tiến trình hòa bình Afghanistan gặp trở ngại.

Trong một năm qua, Mỹ đã xúc tiến tổng cộng 9 vòng đàm phán với Taliban nhằm đạt được thỏa thuận thúc đẩy hòa bình tại Afghanistan. Tại vòng đàm phán thứ 9 vừa qua, hai bên nhất trí dự thảo thỏa thuận, theo đó Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban sẽ cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.

 Ngã rẽ bất ngờ trong đàm phán Mỹ - Taliban   - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân

Nguồn cơn dẫn đến quyết định của ông chủ Nhà Trắng là do ngày 5/9, Taliban tiến hành vụ tấn công tại một trạm kiểm soát gần trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 1 lính Mỹ và hơn 40 người bị thương.

Lâu nay, Taliban vốn thường xuyên và nhiều lần tiến hành những hoạt động quân sự như vậy ở Afghanistan nhưng binh lính Mỹ không bị tổn hại gì, cho tới vụ tấn công vừa rồi. Có lẽ ở đây, Taliban đã quá đà với sách lược vừa hòa đàm với Mỹ vừa tăng cường hoạt động quân sự ở Afghanistan khiến Tổng thống Mỹ hết kiên nhẫn khi tuyên bố rằng nếu Taliban không thể nhất trí ngừng bắn trong lúc diễn ra các cuộc thương lượng hòa bình vô cùng quan trọng này thì họ có thể không còn sức mạnh để đàm phán một thỏa thuận có ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến ông Trump có các quyết định trên là do cuộc đàm phán với chính quyền Kabul (Afghanistan), Taliban tại trại David theo đề xuất của Tổng thống Trump bị nhiều quan chức trong chính quyền lẫn giới nghị sĩ chỉ trích. Lý do vì nó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi nước Mỹ sắp kỷ niệm 18 năm vụ khủng bố ngày 11.9, ngày mà lực lượng al-Qaeda với sự bao bọc từ Taliban thực hiện cuộc tấn công ngay tại nước Mỹ khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

 Ngã rẽ bất ngờ trong đàm phán Mỹ - Taliban   - ảnh 2Lính Mỹ tại chiến trường Apganixtan- Ảnh Reuters 

Cuộc gặp ở Trại David nếu diễn ra sẽ cho Taliban lợi thế chính trị không đáng được hưởng trong giai đoạn đàm phán hiện nay và sẽ là chiến thắng tuyên truyền đáng kể với Taliban. Laurel Miller, quan chức ngoại giao của Mỹ về Afghanistan và Pakistan giai đoạn 2013 - 2017 nhận định sẽ không có chuyện ông Trump vì một binh lính Mỹ bị thiệt mạng mà thay đổi chiến lược hay chính sách nào đó đang được triển khai thực hiện ở Afghanistan và với Taliban. Quyết định hủy cuộc hòa đàm bí mật nhiều khả năng xuất phát từ nhu cầu đối nội và bị buộc phải như vậy.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến kêu gọi ông Trump nên ủng hộ các thỏa thuận hòa bình. Số khác nhấn mạnh, gần hai thập niên giao tranh ở Afghanistan và máu của người Mỹ đổ xuống tại quốc gia Trung Đông này đã là quá đủ.

Quan ngại

Trong khi Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục duy trì áp lực quân sự đối với lực lượng phiến quân Taliban, một sự đảo ngược “chóng vánh” đối với các nỗ lực tạo nên một thỏa thuận nhằm kết thúc gần 20 năm cuộc chiến tại Afghanistan, thì lực lượng Taliban cũng đưa ra lời cảnh báo rằng quyết định hủy bỏ đàm phán hòa bình Afghanistan hôm 8/9 của Tổng thống Trump sẽ khiến nhiều người Mỹ phải bỏ mạng. Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid chỉ trích ông Trump vì hủy bỏ đối thoại, đồng thời cho rằng điều này sẽ rất tới thêm nhiều thất bại cho Hoa Kỳ. Những mất mát về con người và của cải sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani kêu gọi Taliban kết thúc bạo lực và đối thoại trực tiếp với chính phủ Afghanistan, sau khi ông Trump huỷ phiên đàm phán. Hoà bình thực sự sẽ đến khi Taliban đồng ý đình chiến. Tổng thống Mỹ từng hi vọng đàm phán giữa Hoa Kỳ và phiến quân Taliban với sự tham gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David diễn ra suôn sẻ.

Nếu vậy, Washington có thể rút bớt binh lính khỏi cuộc chiến kéo dài 18 năm hao người tốn của. Nhưng những diễn biến đảo chiều trong mấy ngày qua về thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan một lần nữa cho thấy xung đột tại Afghanistan là một trong những vấn đề đối ngoại gây nhức nhối nhất của Mỹ và kỳ vọng khôi phục sự ổn định và hòa bình cho Afghanistan sau 18 năm xung đột vẫn còn xa vời.

Feedback