NATO gia tăng năng lực trước những bất ổn mới

Chia sẻ
(VOV5) - Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock cho rằng về lâu dài châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn trong NATO để tránh bị tác động bởi diễn biến chính trị Mỹ.

Diễn ra trong hai ngày 9-10/07, theo giờ địa phương, tại thủ đô Washington, Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập (1949-2024) liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO thông qua những quyết định và phương hướng hành động được xem là quan trọng nhất với khối này trong 3 thập kỷ gần đây.

NATO gia tăng năng lực trước những bất ổn mới - ảnh 1Lãnh đạo các nước chụp ảnh tại hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 hôm 9/7. Ảnh: NATO

Trong 2 ngày họp Thượng đỉnh tại Washington, nguyên thủ 32 nước thành viên NATO thông qua Tuyên bố chung vạch ra các ưu tiên chiến lược mới của khối về gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng, duy trì sự trợ giúp lâu dài cho Ukraine, đồng thời thúc đẩy các quan hệ đối tác an ninh ngoài phạm vi địa lý truyền thống của NATO.

Gia tăng năng lực quốc phòng

Trong bản Tuyên bố Thượng đỉnh Washington, gồm 38 điều, nguyên thủ các nước NATO tái khẳng định tầm quan trọng của NATO trong việc duy trì môi trường an ninh và sự ổn định ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc hầu hết các quốc gia thành viên NATO đều đã tuân thủ cam kết dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi phí quốc phòng. Cụ thể, hiện có 23/32 quốc gia thành viên NATO đáp ứng tiêu chí này, tăng gấp 7 lần so với năm 2014, thời điểm NATO chính thức đưa ra yêu cầu 2% GDP.

Bên cạnh đó, NATO cũng cải tổ cấu trúc chỉ huy tích hợp, nâng cao năng lực phòng không và đặt ra lộ trình gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng thông qua Quy trình lập kế hoạch quốc phòng NATO (NDPP). Đây là chi tiết rất đáng chú ý bởi trong thời gian qua, dưới sức ép của xung đột tại Ukraine và tại dải Gaza, nhiều thành viên NATO rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ vũ khí và đối mặt rủi ro chiến lược lớn khi bối cảnh xung đột leo thang.

NATO gia tăng năng lực trước những bất ổn mới - ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ) vào ngày 9/7/2024. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ, Joe Biden, tuyên bố: “Đây là bước đi quan trọng để bảo đảm an ninh cho NATO. Lần đầu tiên toàn bộ các nước NATO cam kết thúc đẩy các kế hoạch sản xuất quốc phòng trong nước. Điều này có nghĩa là NATO có thể sản xuất các trang bị quốc phòng thiết yếu nhiều hơn, nhanh hơn”.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, Thượng đỉnh NATO tại Washington cũng dành thời lượng lớn để thảo luận về Ukraine. Bên cạnh Tuyên bố, NATO đã ra một Bản cam kết riêng về việc trợ giúp dài hạn cho Ukraine, bao gồm: cung cấp ít nhất 40 tỷ USD trong 1 năm tới, thành lập Trung tâm Hỗ trợ an ninh và huấn luyện của NATO cho Ukraine (NSATU), cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng dân sự và quốc phòng của Ukraine. Về việc kết nạp Ukraine, NATO không đưa ra lộ trình và cột mốc cụ thể.

Theo Jim Townsend, chuyên gia tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), điều này phù hợp với ưu tiên hiện nay của NATO là tránh cam kết quá cụ thể: “NATO đề ra một khung thời gian tương đối mở về việc khi nào kết nạp Ukraine, ví dụ như khi kết thúc cuộc xung đột. Nhưng ngay bây giờ, tôi nghĩ trọng tâm của Thượng đỉnh là về trợ giúp quân sự cho Ukraine còn việc đề ra lộ trình, khi nào thì bắt đầu thảo luận, khi nào thì mời Ukraine gia nhập, đó là việc của sau này”.

Bất an từ chính trường Mỹ

Không nằm trong chương trình nghị sự nhưng bối cảnh chính trị nội bộ của Mỹ, quốc gia dẫn dắt NATO, cũng tác động đến Thượng đỉnh NATO. Phản ứng trước các bình luận rằng NATO đang gấp rút thực hiện một số chính sách, đặc biệt liên quan đến Ukraine, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho rằng điều này đã bị thổi phồng.

Tuy nhiên, trước thềm Thượng đỉnh NATO tại Mỹ, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock cho rằng về lâu dài châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn trong NATO để tránh bị tác động bởi diễn biến chính trị Mỹ: "Không ai biết những tuần tới, tháng tới sẽ ra sao. Nhưng điều chúng tôi biết chắc là bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao, NATO cần phải trở nên châu Âu hơn, qua đó mới có thể tiếp tục là liên minh liên Đại Tây Dương”.

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi tại Thượng đỉnh NATO lần này là xu hướng khối quân sự này vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài không gian địa lý truyền thống của NATO là châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài việc dùng nhiều lời lẽ cứng rắn chỉ trích 1 số quốc gia trong Tuyên bố, NATO cũng năm thứ 4 liên tiếp mời lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand dự Thượng đỉnh.

Việc NATO gia tăng can dự vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dấy lên lo ngại từ một số quốc gia về nguy cơ gia tăng căng thẳng và phân mảnh địa chính trị tại khu vực hết sức nhạy cảm này.

Feedback