Sau 2 năm bùng phát, cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ 3 với các diễn biến ngày càng khốc liệt trên chiến trường. Hy vọng tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột bằng ngoại giao vẫn đang mờ nhạt, đẩy nguy cơ bất ổn an ninh gia tăng trên toàn cầu.
Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, mở đầu cho xung đột quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Đối đầu toàn diện
Hai năm sau ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát, mức độ khốc liệt trên chiến trường không suy giảm. Chưa có con số chính thức nào từ cả 2 phía được công nhận nhưng giới chuyên gia quân sự toàn cầu có chung nhận định rằng hàng trăm ngàn binh sĩ của Nga và Ukraine đã thương vong. Thiệt hại về kinh tế, cơ sở hạ tầng và tiềm lực quốc gia của 2 bên, đặc biệt là Ukraine, chưa thể định lượng và chắc chắn sẽ gia tăng khi xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Binh sĩ Ukraine trên một chiếc xe quân sự. Ảnh: New York Times. |
Không dừng ở đó, với tầm ảnh hưởng toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục biến đổi sâu sắc môi trường an ninh tại châu Âu cũng như tác động đến nhiều mối quan hệ quốc tế khác. Tại châu Âu, một cấu trúc an ninh mới đang hình thành, khi 2 quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập duy trì trong nhiều thập kỷ để gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO. Cùng lúc đó, các quốc gia châu Âu trong NATO cũng gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng. Điều đáng ngại hơn, đó là sự đổ vỡ toàn diện trong quan hệ Nga-phương Tây do xung đột tại Ukraine khiến nguy cơ đối đầu trực diện giữa 2 bên gia tăng. Trong những ngày qua, một loạt các nước châu Âu, như: Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Romania, 3 nước Baltic… công khai đề cập đến việc chuẩn bị cho khả năng xung đột với Nga trong vài năm tới, một kịch bản nếu xảy ra sẽ đẩy toàn bộ thế giới vào mối đe dọa tồn vong. Nguy cơ này, cùng với xung đột Hamas-Israel ở dải Gaza và căng thẳng tại nhiều khu vực khác, khiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), Antonio Guterres, phải lên tiếng cảnh báo:“Trật tự toàn cầu hiện nay hoạt động không hiệu quả cho tất cả mọi người. Thậm chí tôi có thể nói là nó chẳng hiệu quả cho bất cứ ai. Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức mang tính sống còn nhưng cộng đồng quốc tế đang phân mảnh và chia rẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong 75 năm qua”.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vào thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga, Ukraine hay phương Tây chấp nhận nhân nhượng. Các nước phương Tây đã áp đặt 12 vòng trừng phạt, với tổng cộng hàng chục ngàn lệnh trừng phạt trên hầu hết mọi lĩnh vực, nhằm vào Nga. Tuy nhiên, sức ép chính trị, quân sự và kinh tế từ phương Tây khó có thể thay đổi chiến lược của Moscow khi nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trước khó khăn và tăng trưởng tích cực (3,6%) trong năm vừa qua. Hôm 18/02, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, khẳng định nước này không bận tâm đến việc bị cắt đứt toàn bộ quan hệ kinh tế- năng lượng với châu Âu:“Nga càng ít phụ thuộc vào năng lượng càng tốt bởi các thành phần kinh tế không liên quan đến năng lượng của Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trước đây. Đồng tiền dễ kiếm thì dễ nghiện, nhưng khi phải suy nghĩ khác đi thì sẽ có các cơ chế mới. Điều này đang hiệu quả với Nga. Với châu Âu, cứ để họ quyết định, nếu họ muốn có năng lượng Nga thì họ sẽ có. Nếu không, chúng tôi vẫn ổn”.
Tìm kiếm cơ hội cho giải pháp ngoại giao
Sự đối đầu gia tăng hiện nay giữa Nga với Ukraine và phương Tây khiến các hy vọng về một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát đều cho rằng ngoại giao là lựa chọn duy nhất. Phát biểu tuần trước tại Hội nghị an ninh Munich (16-18/02) ở Đức, Tổng thống đắc cử của Phần Lan, Alexander Stubb cho rằng các hội nghị tìm kiếm hòa bình tại Ukraine, như: hội nghị do Ukraine và Thụy Sỹ dự định tổ chức trong tháng 3 tới, vẫn cần được thúc đẩy, dù trước mắt có thể thiếu vắng 1 trong các bên trực tiếp can dự đến xung đột. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc gia vừa gia nhập NATO tháng 4 năm ngoái thừa nhận phương Tây không thể hy vọng đơn phương giải quyết được xung đột tại Ukraine:“Tôi nghĩ mấu chốt ở đây là phải có các quốc gia, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Nigeria, Nam Phi và Brazil tham dự vào hội nghị. Và đến một giai đoạn nào đó, tất cả chúng ta đều hy vọng Nga sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng điều này sẽ chỉ đến với sức ép quốc tế đủ lớn và sức ép đó phải đến từ nơi khác ngoài phương Tây, bởi phương Tây đã chọn phe trong xung đột này”.
Tại giai đoạn hiện nay của xung đột, các cản trở cho việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao đến từ nhiều phía. Trong năm ngoái, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với phía Nga chừng nào Tổng thống Nga, Vladimir Putin, còn nắm quyền. Trong khi đó, phía Nga dù tuyên bố luôn sẵn sàng đàm phán nhưng yêu cầu Ukraine và phương Tây phải chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới”, điều mà Ukraine kiên quyết bác bỏ. Theo Ulrich Bruckner, Giáo sư nghiên cứu châu Âu của Đại học Stanford (Mỹ), cơ sở tại Berlin, đa số dư luận châu Âu hiện nay vẫn nhận thức xung đột Nga-Ukraine không chỉ là tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước mà còn là một cuộc chiến địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Do đó, các nỗ lực ngoại giao sẽ khó được ưu tiên chừng nào chưa có triển vọng rõ ràng về kết cục trên chiến trường.