Bế tắc chính trị ở Venezuela đang ngày một gia tăng khi lãnh đạo phe đối lập, ông Juan Guaido, người đã tự xưng là "Tổng thống lâm thời Venezuela" và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro vẫn chưa thể tiến hành một cuộc đối thoại để tìm giải pháp.
Trong khi đó, Liên hợp quốc đang nỗ lực thúc đẩy kêu gọi hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này.
Hàng trăm nghìn người ủng hộ Chính phủ cánh tả Venezuela cũng đã xuống đường tuần hành bày tỏ sự ủng hộ và bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ hôm 11/2 đã trình một dự thảo nghị quyết về Venezuela lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kêu gọi chuyển viện trợ quốc tế và bầu cử tổng thống ở Venezuela. Đáp lại, Moscow đã đưa ra một nghị quyết thay thế, bày tỏ mối quan ngại đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Venezuela.
Trong khi đó, Tổng thống N.Maduro đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn chưa từng có trong vòng 200 năm qua, nhằm gửi đi một thông điệp Caracas sẵn sàng đáp trả mọi hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài. Động thái này cũng được cho là phản ứng của ông N.Maduro trước thông tin Mỹ có thể đưa 5.000 quân tới biên giới Colombia, quốc gia giáp ranh với Venezuela.
Cộng đồng quốc tế chia rẽ
Cho đến thời điểm này, cộng đồng quốc tế vẫn hết sức chia rẽ về vấn đề Venezuela. Hiện một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha cùng với Mỹ công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời, đồng thời gây sức ép yêu cầu Tổng thống Maduro kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới. Washington thậm chí tuyên bố đang cân nhắc mọi lựa chọn đối với Venezuela, bao gồm khả năng can thiệp quân sự vào nước này, nhưng nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên "chuyển giao quyền lực trong hòa bình".
Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga bày tỏ sự ủng hộ chính phủ của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Moscow tuyên bố Washington không được thực hiện bất kỳ hành động can thiệp, trong đó có can thiệp quân sự, vào các vấn đề nội bộ của Venezuela và khẳng định Nga sẵn sàng tham vấn về Venezuela, phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc. Liên hợp quốc tuyên bố sẵn sàng đưa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc.
Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát Juan Guaido chính thức tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước với tư cách là “Tổng thống lâm thời” trong cuộc tuần hành phản đối Chính phủ tại thủ đô Caracas ngày 23/1/2019. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Giữa lúc này, dư luận lại đặt ra câu hỏi có hay không một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela. Theo phía Mỹ, một đoàn viện trợ nhân đạo được cung cấp hàng hóa bởi Mỹ và Colombia hiện đã đến thị trấn Cucuta nằm ở biên giới giữa Colombia với Venezuela. Tuy nhiên, phía chính quyền Venezuela khẳng định ở Venezuela không hề có khủng hoảng nhân đạo và tuyên bố sẽ không để hàng viện trợ được vào nước này. Thay vào đó, ông yêu cầu Mỹ dỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung mà Washington áp lên Caracas trong mấy tuần gần đây. Ông Maduro gọi viện trợ nhân đạo là một "chiêu bài" do Mỹ đạo diễn nhằm lật đổ Chính phủ của ông.
Về phía Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 12/2 tuyên bố đã sẵn sàng chuyển viện trợ nhân đạo tới Venezuela, nơi mà khó khăn kinh tế đã khiến hàng triệu người vượt biên giới rời bỏ đất nước. Tuy nhiên, phải cần có sự đồng ý từ chính phủ của Tổng thống N.Maduro.
Venezuela đối diện với những khó khăn kinh tế
Những bất ổn chính trị ở Venezuela đã kéo theo những hệ lụy mà kinh tế là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trước tiên. Đồng nội tệ mất giá khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phải thu hẹp hoạt động hoặc rời khỏi Venezuela. Hàng loạt cuộc di cư ồ ạt đang diễn ra do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thời gian qua, mặc dù Chính quyền của Tổng thống N.Maduro đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng siêu lạm phát như xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar của Venezuela, đưa vào lưu hành các đồng tiền mệnh giá mới, nâng mức lương tối thiểu cao hơn hàng chục lần so với trước đó, nâng thuế giá trị gia tăng từ 4-16%... Tuy nhiên, những biện pháp trên cho đến nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ chạm mức 10 triệu % trong năm 2019.
Có thể thấy, Venezuela hiện nay không chỉ đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn lâm vào thế kẹt địa - chính trị giữa các cường quốc lớn. Từng là quốc gia giàu nhất khu vực Mỹ Latin nhờ nắm giữ nguồn cung dầu mỏ vào loại lớn nhất thế giới, Venezuela còn có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng ở khu vực mà các cường quốc luôn muốn duy trì vị thế ảnh hưởng độc tôn. Điều quan trọng hiện nay là chính quyền và phe đối lập nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán để sớm ổn định tình hình đất nước. Các vấn đề của Venezuela phải nên được giải quyết bởi chính người dân nước này theo khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, thông qua các kênh đối thoại hòa bình. Đây là cách duy nhất giúp Venezuela đạt được sự ổn định lâu dài.