Venezuela trước nguy cơ nội chiến

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện, người dân Venezuela đang đứng trước tình thế đất nước có hai nhà lãnh đạo, hàng ngày phải sống trong tình trạng bạo động và biểu tình khắp đường phố...

Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Venezuela đang đi theo chiều hướng ngày càng tiệm cận với một cuộc xung đột, khi xã hội nước này bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là Tổng thống Nicolas Maduro được quân đội hậu thuẫn, còn bên kia là tổng thống tự phong Juan Guaido, chủ tịch quốc hội và là thủ lĩnh phong trào đối lập. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng nhiều quan điểm trái chiều khiến tình hình quốc gia Mỹ Latin này ngày càng đi vào bế tắc.

Venezuela trước nguy cơ nội chiến - ảnh 1

Những người ủng hộ Chính phủ Venezuela tuần hành sau khi chiến dịch tranh cử vào Quốc hội lập hiến khởi động. - Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay ở Venezuela, các chuyên gia nhận định bất cứ mồi lửa nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến, khi hai bên đều dựa vào lực lượng hậu thuẫn của mình để "quyết đấu" mà không ai chịu nhượng bộ.

Căng thẳng leo thang

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 28/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Manduro trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh CNN đã bác bỏ tối hậu thư của cộng đồng quốc tế về việc phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 8 ngày. Ông N.Manduro nhấn mạnh lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido vi phạm hiến pháp khi tự xưng nguyên thủ, đồng thời để ngỏ cánh cửa đối ngoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, Tổng thống tự xưng của Venezuela cho biết đang đàm phán với một số quan chức quân sự và dân sự để buộc Tổng thống N.Manduro từ chức. Điều đáng nói là hiện một số quan chức hàng đầu trong chính phủ và quân đội Caracas đã quay sang ủng hộ ông Juan Guaido.

Venezuela trước nguy cơ nội chiến - ảnh 2

Tổng thống Venezuela N. Maduro trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái độ, lập trường của cộng đồng quốc tế trước những diễn biến ở Venezuela cũng rất khác nhau. Mỹ kêu gọi các nước tại Liên hợp quốc ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Còn Nga, như thường lệ, luôn đứng ở vị trí đối lập với Mỹ, cho rằng Mỹ đang toan tính tiến hành một cuộc can thiệp trực tiếp vào nội bộ Venezuela. Moscow cáo buộc Washington cố tình làm trầm trọng tình hình tại Venezuela và kích động những quan điểm cực đoan. Nga kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tỏ rõ lập trường nội bộ của Venezuela phải do người dân Venezuela tự giải quyết và chỉ có thể được quyết định bởi chính người dân nước này. Cùng quan điểm với Nga có Iran, Trung Quốc, Nam Phi. Còn các nước lớn ở Châu Âu bày tỏ sự ủng hộ lãnh đạo đối lập Venezuela.

Con đường đưa Venezuela đi vào hỗn loạn

Thực chất, những diễn biến bất ổn ở Venezuela là hệ quả của một quá trình nội bộ trục trặc kéo dài. Khi ông N.Manduro tái đắc cử hồi tháng 5/2018, nhiều cử tri đã tẩy chay cuộc bầu cử này. 14 nước Mỹ Latin và Canada tuyên bố cuộc bầu cử không hợp lệ. Ông N.Manduro tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bầu cử gây tranh cãi này trong bối cảnh khó khăn bủa vây. Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát ở Venezuela có thể chạm ngưỡng 10 triệu % trong năm 2019. Nền kinh tế Venezuela đã không tận thu được sự giàu có mà nguồn tài nguyên dầu mỏ trù phú của nước này đem lại khiến nền kinh tế suy thoái. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp các đường phố trong năm 2017. Phe đối lập thì thách thức quyền lực của Tổng thống N.Manduro và những người ủng hộ ông. Họ cáo buộc ông Manduro tạo ra chế độ độc tài, trong khi ông Manduro gọi những người biểu tình là “những kẻ phá hoại và khủng bố”.

Venezuela trước nguy cơ nội chiến - ảnh 3

Tổng thống lâm thời Venezuela tự xưng Juan Guaido - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bức tranh chính trị, kinh tế u ám đó, Juan Guaido, một chính khách nổi lên và trở thành Chủ tịch Quốc hội Venezuela hôm 5/1, đã thực sự làm khuấy đảo chính trường nước này. Juan Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời trong một lễ tuyên thệ trước đám đông ở Caracas hôm 23/1 vừa qua, kêu gọi một cuộc bầu cử mới, khởi đầu cho một giai đoạn bất ổn có thể kéo dài ở Venezuela.

Hiện, người dân Venezuela đang đứng trước tình thế đất nước có hai nhà lãnh đạo, hàng ngày phải sống trong tình trạng bạo động và biểu tình khắp đường phố và các cường quốc nước ngoài chia rẽ về việc công nhận ai là tổng thống hợp pháp. Một cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm này với kết quả nghiêng về bất cứ bên nào đều có thể khoét sâu mâu thuẫn và chia rẽ ở Venezuela, khiến nguy cơ xung đột càng cao hơn. Theo các nhà phân tích quốc tế, điều mà quốc gia Nam Mỹ này cần làm hiện nay là nhanh chóng tìm ra biện pháp thỏa hiệp để tránh cuộc đối đầu bạo lực giữa chính phủ và phe đối lập, hay một cuộc đảo chính quân sự, nội chiến, hoặc tồi tệ hơn là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai phe do Mỹ và Nga hậu thuẫn. Bởi bài học lịch sử cho thấy những kịch bản trên đều sẽ mang lại những hậu quả tồi tệ.

Feedback