Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình, đoàn kết quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, về đoàn kết quốc tế đã là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, gắn liền với biểu tượng của hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc. Sinh thời cũng như trước khi đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn Đảng Cộng sản Việt Nam ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em. Người cũng mong muốn đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, về đoàn kết quốc tế đã là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.

Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình, đoàn kết quốc tế - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa III, ngày 7/4/1965. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế: tầm nhìn vượt thời đại

Quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán. Người sớm nhận ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trí tuệ và tầm nhìn của Người.

Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không phân biệt, bình đẳng, cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; phải phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức của mình là chính; có lý, có tình. Người đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình. Đây là tư duy và tầm nhìn vượt thời đại.

Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình, đoàn kết quốc tế - ảnh 2Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VOV

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Chúng ta biết rằng phong trào cộng sản quốc tế trải qua rất nhiều thách thức Sau đại chiến thứ hai, thế giới đã phân cực. Lúc đó, Việt Nam hướng tới mục tiêu rất quan trọng: thực hiện được nền độc lập dân tộc. Chúng ta phải hoàn thiện nền độc lập, đặc biệt là thống nhất quốc gia. Phải nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một đường lối hết sức khéo léo trên nền tảng muốn phục hồi lại phong trào cộng sản lý tưởng như đã từng có, nhưng quan trọng hơn, đã chỉ ra chỗ dựa để thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước."

Theo Người, đoàn kết quốc tế là tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp.

"Cách mạng Việt Nam ngay từ đầu đã được xác định là một bộ phận của cách mạng thế giới cho nên cách mạng Việt Nam như thế nào còn chịu ảnh hưởng tác động từ thế giới mà sự chi viện của quốc tế, đặc biệt của Liên Xô lúc bấy giờ và của Trung Quốc cũng như của các nước anh em, là một nhân tố rất quan trọng."

"Mặt trận ngoại giao có tác dụng rất to lớn, đã góp phần tập hợp lực lượng nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam."

Ngược lại, Việt Nam có trách nhiệm ủng hộ giúp đỡ các nước khác thực hiện nghĩa vụ quốc tế và đoàn kết quốc tế tạo nên sức mạnh.

Ông Trương Đức Duy, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam giai đoạn 05/1989 - 02/1993, chia sẻ: "Hồ Chí Minh rất chú trọng và nhấn mạnh đoàn kết, làm sao đoàn kết được tất cả lực lượng tiến bộ trên thế giới, tất cả những lực lượng chính nghĩa trên thế giới."

Những di huấn về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh

55 năm trước, trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di huấn quý báu về tinh thần đoàn kết quốc tế. Người có quan điểm rõ ràng về mục tiêu của đoàn kết quốc tế.

Theo Tiến sĩ David Marr, một trong những học giả hàng đầu về lịch sử Việt Nam, Di chúc là một tác phẩm thể hiện rõ nét trí tuệ và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc của Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh những nỗ lực giải phóng dân tộc mà còn bày tỏ một tầm nhìn toàn cầu về hòa bình và công lý.

Tiến sĩ Michel Duhamel, chuyên gia nghiên cứu về các phong trào cách mạng, cho rằng Di chúc của Hồ Chí Minh mang ý nghĩa sâu rộng đối với phong trào đoàn kết quốc tế. Bản Di chúc khuyến khích các quốc gia và dân tộc trên thế giới hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng hòa bình và phát triển bền vững.

Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình, đoàn kết quốc tế - ảnh 3Nhà sử học Pháp Alain Ruscio. Ảnh: lanouvellerepublique.fr

Nhà sử học Pháp Alain Ruscio đánh giá: "Tôi nghĩ thông điệp lớn nhất đến từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là các nhà lãnh đạo của các nước Xã hội chủ nghĩa, của các đảng Cộng sản luôn luôn gần dân, luôn luôn quan tâm đến nỗi khổ của dân và phải luôn luôn đi đầu trong việc lên án, đấu tranh chống lại các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, suy thoái tư tưởng cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại diện cho hình ảnh một con người xuất chúng. Đó là một người lãnh đạo cộng sản được tôn trọng. Tôi nghĩ thông điệp đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay."

Ông Jean-Pierre Brard, cựu Thị trưởng thành phố Montreuil (Pháp), bày tỏ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chiến sĩ cách mạng vô cùng đặc biệt. Ở Người, chúng ta nhìn thấy rõ một tình yêu to lớn dành cho quê hương, cho dân tộc, cho hòa bình."

Theo nhà nghiên cứu Evgeny Kobelev (Nga), tư tưởng Hồ Chí Minh là điển hình chủ nghĩa cách mạng quốc tế, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không tách rời cách mạng Việt Nam khỏi cách mạng quốc tế. Người là anh hùng đấu tranh giải phóng dân tộc .

Muốn hiểu tâm hồn người Việt, phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Rất nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã khẳng định muốn hiểu về tâm hồn người Việt Nam thì trước tiên phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có cả Di chúc của Người. Giáo sư (GS) Ahn Kyong Hwan, chuyên gia Hàn Quốc về các vấn đề biển Đông và Việt Nam học, là người như thế. Phóng viên Đài TNVN trao đổi với Giáo sư Ahn Kyong Hwan về nội dung này.

Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình, đoàn kết quốc tế - ảnh 4Giáo sư Ahn Kyong Hwan, chuyên gia Hàn Quốc về các vấn đề biển Đông và Việt Nam học. Ảnh: VOV5

Thưa giáo sư, lần đầu tiên tiếp cận với Di chúc của Hồ Chí Minh, điều ông ấn tượng nhất là gì?

GS Ahn Kyong Hwan: Theo tôi, để hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải hiểu các về một số tác phẩm của Người, trong đó có Di chúc của Chủ tịch. Tôi cảm thấy cần phải giới thiệu tác phẩm này đến người dân Hàn Quốc một cách rộng rãi hơn nên đã dịch toàn bộ Di chúc và tổ chức một Hội thảo học thuật quốc tế để giới thiệu tác phẩm.

Tôi cảm nhận được Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ dành tình yêu bao la cho Tổ quốc và đồng bào Việt Nam. Hồ Chủ tịch còn là người mang khát khao cháy bỏng về việc thống nhất đất nước.

Điều  tôi ấn tượng nhất khi đọc Di chúc có lẽ là sự nhấn mạnh của Hồ Chủ tịch về tình đoàn kết. Người cho rằng Việt Nam chỉ có thể phát triển khi dân tộc Việt Nam một lòng đoàn kết. Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế.

PV: Theo giáo sư, quan điểm của Người về tình đoàn kết có mang tính thời đại không?

GS Ahn Kyong Hwan: Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có gì quý hơn độc tập và tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã luôn cố gắng để lan toả tinh thần này. Người không chỉ đấu tranh vì độc lập và tự do của Việt Nam, mà còn đấu tranh với chủ nghĩa thực dân, phong kiến, đế quốc, phát xít vì độc lập và tự do của các dân tộc bị áp bức. Hồ Chủ tịch là người theo chủ nghĩa hoà bình, phi bạo lực và luôn muốn giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua cách thức hoà bình, đó là đối thoại. Do vậy, Người luôn cố gắng giải quyết mọi vấn đề bằng đối thoại và tránh để xảy ra chiến tranh. Tôi cho rằng khi tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan rộng thì hoà bình thế giới sẽ được duy trì, và toàn thế giới cũng cần phải học tập những nỗ lực của Người trong việc đấu tranh cho hoà bình và phi bạo lực.

PV: Khi ông giới thiệu Di chúc của Hồ Chủ tịch tại Hội thảo học thuật quốc tế vào năm 2015, các học giả đón nhận thế nào?

GS Ahn Kyong Hwan: Mặc dù vào năm 2015, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên chưa có nhiều học giả và người dân Hàn Quốc biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó khi lần đầu tiên tôi chia sẻ về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu và học giả đã biết thêm về nhân phẩm và lòng yêu nước, yêu tổ quốc, yêu hòa bình của Người. Thông qua Di chúc, các học giả và người dân Hàn Quốc đã lại một lần nữa nhận thức được sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Theo ông, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được người dân Việt Nam triển khai như thế nào?

GS Ahn Kyong Hwan: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp rất lớn vào sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Sau khi áp dụng chính sách đổi mới vào năm 1968, Việt Nam đã và đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và phát triển thành một nước hùng cường, một đất nước đáng sống. Không chỉ vậy, tôi tin rằng trong tương lai, Đảng và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng giống như di chúc mà Người đã viết, để ngày càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng Việt Nam trở thành một nước hùng cường hơn, đáng sống hơn và đóng góp được rất nhiều cho hoà bình thế giới.

PV: Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này.

Đoàn kết quốc tế nâng cao vị thế Việt Nam trong thời đại ngày nay

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em; và nhân dân các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh…Và khi đất nước thống nhất, Việt Nam triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đánh giá của các nhà ngoại giao, các chuyên gia, các nhà nguyên cứu quốc tế cho thấy rõ thành quả này.

"Trong năm qua, Việt Nam đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho thấy Việt Nam có thể duy trì thế cân bằng giữa các nước lớn. Việc đón tiếp các nhà lãnh đạo này cũng cho thấy các nước lớn đều quan tâm và mong muốn Việt Nam ổn định, năng động, có ảnh hưởng. Việc làm này cũng cho thấy Việt Nam cam kết không liên minh liên kết để chống lại quốc gia khác mà vẫn giữ được thế độc lập của mình."

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam có vị thế đặc biệt trên trường quốc tế. Vai trò của Việt Nam ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt,  khẳng định vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cùng với đó là quảng bá sự phát triển, thành công của Việt Nam về mọi mặt."

"Là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN, Việt Nam đang dẫn đầu các nỗ lực của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hội nhập khu vực. Việt Nam cũng đã có nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thành công năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngoài ra, việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 là một điển hình khác thể hiện cam kết liên tục của Việt Nam trong việc hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN."

Vị thế quốc tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua cho thấy đoàn kết quốc tế theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lý tưởng cao cả mà còn là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đoàn kết quốc tế trở thành một chân lý, một phương châm hành động tất yếu để từ đó góp phần vào việc xây dựng vị thế, uy tín của Việt Nam và xây dựng một thế giới hòa bình.

Feedback