Dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng Hiến pháp

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Sau 5 tháng kể từ lần đầu tiên công bố để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hôm nay (3/6), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính thức được đưa ra thảo luận toàn thể tại Hội trường, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. Những nội dung cơ bản như tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tính chất của nền kinh tế và các thành phần kinh tế, quyền con người, quyền công dân được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Biên tập viên VOV5 ghi lại một số nội dung chính của phiên thảo luận này.

(VOV5) - Sau 5 tháng kể từ lần đầu tiên công bố để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hôm nay (3/6), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính thức được đưa ra thảo luận toàn thể tại Hội trường, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. Những nội dung cơ bản như tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tính chất của nền kinh tế và các thành phần kinh tế, quyền con người, quyền công dân được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Biên tập viên VOV5 ghi lại một số nội dung chính của phiên thảo luận này.

Dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng Hiến pháp  - ảnh 1

Theo nhiều đại biểu, việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân, góp phần giải quyết thấu đáo những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội đang đặt ra trong xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập và toàn cầu hoá. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần đặt ra là hiệu quả của các quy định trong Hiến pháp.


Cùng với việc tán thành giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, một số đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể hiện quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và thể hiện rõ cơ chế quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó, quy định rõ chức năng của từng cơ quan là những quy định đổi mới quan trọng nhất trong cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam hiện nay.


Góp ý vào Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo các đại biểu Quốc hội, nhìn vào thực tiễn đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử và hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, về cả lý luận và thực tiễn, có đủ cơ sở để  khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN là đảng lãnh đạo duy nhất, đáp ứng được các yêu cầu bức thiết của nhân dân trong các giai đoạn từ trước đến nay và mai sau nên việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là cần thiết. Ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, nêu ý kiến: “Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là khách quan, tất yếu, phù hợp với lý luận về Đảng cầm quyền. Lý luận về Đảng cầm quyền không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ có ở  đảng cộng sản mà còn đối với các đảng khác. Cơ sở thực tiễn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được kiểm chứng trong thực tiễn, thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là khẳng định một sự thật mang tính khách quan, công bằng”.


Về các thành phần kinh tế, đại biểu Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ủng hộ phương án quy định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế Việt Nam, không cần quy định vai trò của kinh tế Nhà nước vì cho rằng phương án này đã thể hiện vai trò quan trọng của các thành phần kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng và cạnh tranh trong pháp luật. Tuy nhiên, bà Trương Thị Thu Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, lại cho rằng: “Cần phải khẳng định rõ tính chất của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN bởi lẽ định hướng XHCN sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả khiếm khuyết của nền kinh tế cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế thị trường và hội nhập của Việt Nam. Do đó, việc quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là phù hợp vì vừa khẳng định được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mặt khác bảo đảm sự hài hoà và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội”.


Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một số ý kiến khẳng định Dự thảo đã thể hiện rõ tầm quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như tầm quan trọng của việc Hiến định các nghĩa vụ của công dân. Việc khẳng định như vậy thể hiện sự tôn trọng quyền con người của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Với chế định này của Dự thảo, người dân được hưởng các quyền một cách mặc nhiên và trách nhiệm của Nhà nước là thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân.


Liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, bà Trương Thị Huệ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Hiến pháp cần quy định rõ cơ chế và trách nhiệm của người đứng đầu chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Do đó tôi đề nghị bổ sung thêm vào điều 2 của Hiến pháp là tất cả hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.


Với không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi xung quanh nhiều nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm của những người đại diện cho cử tri cả nước, góp sức xây dựng một bản Hiến pháp có chất lượng, định hướng cho sự phát triển của đất nước./.

Feedback