Tâm điểm của thế giới hiện nay là nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Châu Âu cũng không là ngoại lệ. Khối này đang dần thích nghi và có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đều hoàn thành tiến độ tiêm chủng nhanh.
Trải qua mấy làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ các nước EU buộc phải duy trì các biện pháp ngăn chặn trên diện rộng. Hệ quả tất yếu là tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh là “đòn bẩy” phục hồi nền kinh tế
Theo đánh giá sơ bộ, khu vực EU tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực khi các quốc gia nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 và sự hỗ trợ liên tục của các Chính phủ. Trong quý II/2021, kinh tế khu vực đồng Euro đã tăng trưởng 2,0%, vượt qua kỳ vọng của thị trường về mức tăng trưởng 1,5%. Tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu cũng tăng từ -0,1% trong quý I lên 1,9% trong quý II/2021.
Động lực cho sự phục hồi kinh tế của các nước EU là đầu tư của doanh nghiệp (trong lĩnh vực sản xuất), xuất khẩu ròng. Một số chính sách quan trọng, như chương trình làm việc ngắn hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp đã được thực thi. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone lên 5% trong năm 2021 (cao hơn so với mức 4,6% đưa ra trong dự báo trước đó). Trong số các nền kinh tế lớn nhất khối, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã trở lại mức tăng trưởng dương và tốc độ mở rộng được ghi nhận ở Italy. Mặc dù tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng Euro vẫn duy trì ở mức cao, mức lạm phát này vẫn được đánh giá mang tính chất tạm thời do các yếu tố liên quan đến đại dịch.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images |
Những dấu hiệu phục hồi này trước hết nhờ vào việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế phòng chống dịch khiến niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tăng lên trên khắp châu lục. Quý II/2021, doanh số bán lẻ dần phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và thị trường chứng khoán của khu vực đã tăng lên mức cao kỷ lục. Từ ngày 1/7/2021, tất cả các quốc gia thành viên EU cũng chính thức chấp nhận du khách từ các nước có chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số EU, qua đó tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn, cho phép tái khởi động nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, nền kinh tế của Eurozone đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, tốc độ phục hồi thực tế phụ thuộc vào việc các nước châu Âu kiên quyết thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm rằng sự lây lan của các biến thể mới không tạo ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Dây chuyền sản xuất ô tô của hãng Mercedes ở Đức. Nguồn: AFP |
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng châu Âu sẽ tránh được một đợt phong tỏa khác mà có thể làm tê liệt nền kinh tế như những đợt phong tỏa trước đây đã đẩy khu vực này vào hai cuộc suy thoái trong vòng 18 tháng qua. Các số liệu phân tích cho thấy, việc tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 đã khiến số lượng ca lây nhiễm và các biến chủng y tế giảm đáng kể; đồng thời, các biện pháp hạn chế quy mô lớn sẽ có khả năng ít được áp dụng ở châu Âu trong thời gian tới. Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 của châu Âu đã được tăng tốc và tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương.
Thúc đẩy các gói kích thích phục hồi kinh tế
Kể từ tháng 6/2021, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu giải ngân gói phục hồi kinh tế từ quỹ phục hồi hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ Euro để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU, nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Giữa tháng 7, EU cũng chính thức thông qua kế hoạch phục hồi do 12 nước đệ trình, nhằm mở đường cho đợt giải ngân các khoản tài trợ và cho vay đầu tiên của khối này.
Với sự hỗ trợ này, các quốc gia thành viên có thể bắt đầu những cải cách và đầu tư cần thiết cho sự phục hồi, củng cố và chuyển đổi nền kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt trị giá 750 tỷ euro (hơn 890 tỷ USD) được cho là những yếu tố đưa EU thoát khỏi suy thoái, dần phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Những yếu tố này được xem là đòn bẩy quan trọng khiến kinh tế nhiều quốc gia trong châu Âu đạt tốc độ tăng trưởng những tháng tới.