Do tác động kéo dài của hàng loạt yếu tố bất lợi, kinh tế toàn cầu ngày càng đối mặt với nguy cơ suy thoái rõ ràng hơn. Nhiều chuyên gia và định chế tài chính quốc tế khuyến cáo rằng các nền kinh tế cần đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn những kịch bản xấu ở cả trong ngắn và trung hạn.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hàng loạt số liệu mới công bố của các định chế tài chính quốc tế cũng như của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, tác động của xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu trong thời gian dài, đang khiến cho tỷ lệ phát ở nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn và phát triển, duy trì ở mức cao kỷ lục. Thực tế này buộc nhiều ngân hàng trung ương phải điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, khiến nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên.
Gia tăng nguy cơ suy thoái
Ngày 21/9 vừa qua, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm % nhằm đối phó với tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập niên qua tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là lần thứ 3 liên tiếp FED điều chỉnh tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục 0,75 điểm % và lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm 2022 này, cũng là một kỷ lục về số lần tăng lãi suất trong năm tại Mỹ trong nhiều thập niên qua.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass. Ảnh: Reuters |
Theo giới phân tích tài chính-kinh tế, việc tăng lãi suất mạnh chưa từng có của FED làm giảm cơ hội tăng trưởng, đồng thời tăng thêm nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế số một thế giới. Bởi lẽ, việc lãi suất cơ bản khiến hàng loạt loại lãi suất khác tăng lên cao, như lãi vay mua nhà, mua ôtô, lãi thẻ tín dụng và vay kinh doanh, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế, trong tuyên bố sau thông báo tăng lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng đã thừa nhận các hậu quả kinh tế mà việc thắt chặt có thể gây ra với bình luận rằng "Không ai biết liệu quá trình này có dẫn đến suy thoái hay không, và nếu có thì sẽ nghiêm trọng đến mức nào". Tiếp đó, bản cập nhật dự báo kinh tế do FED công bố cùng ngày cũng phản ánh mối lo ngại này khi nhận định tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại Mỹ lên mức 4,4% năm tới, cao hơn đáng kể so với mức 3,7% hiện tại, trong khi tốc độ tăng GDP được điều chỉnh về chỉ còn 0,2% trong năm nay.
Thế nhưng không chỉ có nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp khó khăn và đối mặt nguy cơ suy thoái. Đây là thực trạng chung mà nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 15/9 cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế lạm phát leo thang. Trả lời kênh Fox Business, Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo rằng các nền kinh tế có thể tiếp tục suy giảm vào năm 2023 và lâu hơn nữa.
Tương tự, trong báo cáo vừa công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 đối với khu vực châu Á đang phát triển. Cụ thể, ADB giảm dự báo tăng trưởng năm nay đối với khu vực châu Á đang phát triển xuống còn 4,3%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% đưa ra hồi tháng 4. Trong đó, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống 3,3%, do các biện pháp chống dịch như phong tỏa và hạn chế đi lại khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 thành viên của ADB, trải dài từ Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á. Dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm ngoái lên tới 7%.
Thận trọng và tăng cường nỗ lực
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn và khó khăn nguồn cung toàn cầu chưa được giải tỏa, tỷ lệ lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong ngắn hạn, buộc các ngân hàng trung ương phải có thêm hành động can thiệp, phổ biến nhất vẫn là tăng lãi suất. Và trên thực tế, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng hàng loạt ngân hàng trung ương khu vực và các nước cũng đã thông báo chính thức về kế hoạch có thể tăng lãi suất trong thời gian tới để đối phó lạm phát. Điều này có nghĩa là cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng tiếp tục bị bó hẹp.
Liên hợp quốc và các quốc gia vẫn cần ưu tiên thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, khơi thông nguồn cung toàn cầu, đồng thời kiên định với các chiến lược tăng trưởng xanh-bền vững.
Trước viễn cảnh đáng lo ngại đó, các chuyên gia kinh tế kêu gọi các chính phủ hành động thận trọng cũng như cần có giải pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, đảm bảo tăng trưởng. Trong đó, Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cảnh báo "những rủi ro tiềm ẩn rất lớn" đối với triển vọng của khu vực châu Á, nhấn mạnh rằng các chính phủ cần cảnh giác. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm tăng nguồn cung, từ đó nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia có chung quan điểm rằng, song hành với các biện pháp đối phó mang tính tình thế, Liên hợp quốc và các quốc gia vẫn cần ưu tiên thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, khơi thông nguồn cung toàn cầu, đồng thời kiên định với các chiến lược tăng trưởng xanh-bền vững.