Không quá ồn ào như các cuộc bầu cử Tổng thống, song có ý nghĩa quyết định đến việc đảng nào (Dân chủ hay Cộng hòa) sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ trong ít nhất 2 năm tiếp theo, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội tại Mỹ (được tiến hành 2 năm sau bầu cử Tổng thống) vẫn luôn được coi là sự kiện quan trọng hàng đầu trong đời sống chính trị-xã hội nước Mỹ, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận ở cả trong nước và quốc tế.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Keystone/ Leigh Vogel |
Năm 2022, tiến trình bầu cử này (chính thức ngày 8/11), càng thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như truyền thông thế giới, bởi bối cảnh và tính chất đặc biệt của nó.
Theo giới phân tích và truyền thông quốc tế, có nhiều lý do để không chỉ người dân Mỹ, mà toàn thế giới quan tâm tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ năm 2022. Trước hết là bởi tầm quan trọng vốn có của nó – một sự kiện chính trị-xã hội trọng đại tại nền kinh tế số một thế giới.
Sự kiện chính trị-xã hội quan trọng với nước Mỹ
Với việc bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện cùng 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ có ý nghĩa quyết định việc đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Hơn thế, lần bỏ phiếu này còn quyết định ghế Thống đốc của 36 bang và ba vùng lãnh thổ, đồng thời bầu chọn thị trưởng nhiều thành phố và các quan chức địa phương. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử đặc biệt này, cử tri Mỹ còn bỏ phiếu về 129 luật, quy định cấp địa phương.
Số liệu phân tích các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ trong nhiều thập niên qua cho thấy, kết quả điều hành đất nước trong 2 năm trước đó của Tổng thống đương nhiệm (thuộc đảng đang kiểm soát Quốc hội), có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến lựa chọn của cử tri Mỹ. Theo đó, cử tri có xu hướng rõ ràng về việc bỏ phiếu ủng hộ đảng của Tổng thống có sự điều hành đất nước tốt theo cảm quan của cử tri. Hơn thế, kết quả lần bỏ phiếu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ còn phần nào tác động đến chiến lược của mỗi đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ được tổ chức sau đó 2 năm.
Vì tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều rất tích cực tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, đặc biệt là vào giai đoạn nước rút. Một trong những minh chứng rõ nhất cho điều này là việc cho đến sát ngày bỏ phiếu chính thức, hôm 5/11, cả đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ, cũng như cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa, đều cùng có mặt tại bang chiến địa Pennsylvania, để thực hiện những nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho đảng của mình. Đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ lần này chính là mục tiêu số một cần ưu tiên hướng tới của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong suốt giai đoạn vừa qua.
Thách thức với đương kim Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ
Hiện tại, đảng Dân chủ đang chiếm thế đa số tại Hạ viện với 221 ghế, trong khi đảng Cộng hòa có 212 ghế. Còn tại Thượng viện gồm 100 ghế, đảng Cộng hòa nắm giữ 50 ghế, trong khi đảng Dân chủ có 48 ghế của riêng mình cùng hai thượng nghị sĩ độc lập (Angus King và Bernie Sanders) ủng hộ đảng này. Có nghĩa là tại Thượng viện, đảng Dân chủ có số ghế ngang bằng với đảng Cộng hòa, nhưng lợi thế hơn nhờ việc Phó Tổng thống Kamal Harris (thành viên đảng Dân chủ) là Chủ tịch Thượng viện nên sẽ có tiếng nói quyết định trong các cuộc bỏ phiếu có kết quả hòa.
Vì lẽ đó, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden cần phải đảm bảo cục diện tại lượng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử lần này không thay đổi, hoặc thay đổi theo hướng có lợi hơn cho đảng này.
Tuy nhiên, kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy được tiến hành và công bố ngay trước thời điểm bỏ phiếu chính thức cho thấy, khả năng chiến thắng của hai bên là khá cân bằng nhau. Có nghĩa là rủi ro thất bại với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là ngang nhau.
Trong bối cảnh đó, dư luận nước Mỹ cũng như quốc tế đặc biệt chú ý đến những thách thức nghiêm trọng cả về đối nội và đối ngoại mà đảng Dân chủ và đương kim Tổng thống Joe Biden phải đối mặt. Theo đó, về đối ngoại, thách thức bao trùm và lớn nhất vẫn là duy trì, củng cố và mở rộng tầm ảnh hưởng gắn liền với lợi ích cốt lõi của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh tình hình thế giới có diễn biến nhiều bất lợi (với vị thế và lợi ích của Mỹ), đứng đầu là cuộc xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bế tắc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, ý chí tự chủ ngày càng cao của một số đồng minh khu vực Trung Đông và châu Âu… Về đối nội, thách thức hàng đầu là ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế đang cận kề, đồng thời kiểm soát tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên. Bên cạnh đó là hàng loạt thách thức khác như kiểm soát súng đạn, tình trạng phân biệt chủng tộc,…
Theo giới phân tích, chính việc chưa thể đạt được thành tựu rõ ràng trong viêc xử lý các thách thức trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến sự ủng hộ dành cho đảng Dân chủ suy giảm đáng kể trong thời gian qua. Vì vậy, giai đoạn trước mắt với Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ sẽ trở nên thách thức hơn nếu họ không đạt được kết quả kỳ vọng trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ lần này. Đáng nói hơn, ngay cả trong trường hợp giành thắng lợi, Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ cũng có thể đối mặt với nguy cơ xảy ra hỗn loạn hậu bầu cử, tương tự như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 khi ông Donald Trump không thừa nhận thất bại và dẫn đến sự kiện bạo loạn tại đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Bởi vậy, không chỉ với ngày bỏ phiếu chính thức 8/11, mà dư luận nước Mỹ và quốc tế chắc chắn sẽ tiếp tục đổ dồn sự chú ý vào những diễn biến hậu bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ năm 2022 trong thời gian tới.