Bất ổn chính trị đẩy Bangladesh vào tương lai bất định

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Trong lúc này, bất ổn chính trị tại Bangladesh đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, hôm 05/08, tuyên bố từ chức và lên máy bay rời khỏi đất nước trước áp lực từ các cuộc biểu tình bạo động nghiêm trọng trong nhiều ngày qua. Sự việc này đẩy quốc gia Nam Á vào tương lai mới nhiều bất trắc về an ninh và kinh tế

Làn sóng biểu tình bắt đầu bùng phát tại Bangladesh vào đầu tháng 7 khi chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina công bố chính sách phân bổ hạn ngạch viên chức. Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang bạo lực, khiến hơn 300 người thiệt mạng trong hơn 1 tháng, buộc bà Sheikh Hasina phải từ chức và rời bỏ đất nước.

Chính sách gây tranh cãi

Theo chính sách phân bổ hạn ngạch viên chức đưa ra cuối tháng 6, chính phủ Bangladesh dành hơn một nửa chỉ tiêu tuyển dụng viên chức hàng năm cho các nhóm đặc quyền, trong đó khoảng 30% là dành cho con của các cựu chiến binh trong cuộc chiến giải phóng dân tộc khỏi Pakistan năm 1971. Theo Giáo sư nghiên cứu phát triển Rashed Al Mahmud Titumir, thuộc Trường Đại học Dhakar (Bangladesh), chính sách này được đưa ra vào thời điểm không hợp lý, khi tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Bangladesh đang tăng nhanh, với tỷ lệ gần 20% người dân Bangladesg từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm hoặc không được đi học. Bên cạnh đó, mỗi năm Bangladesh có gần 2 triệu lao động mới ra nhập thị trường lao động và tỷ lệ để trở thành viên chức nhà nước là gần 1/100 trong năm ngoái, khi 346.000 ứng viên nộp đơn thi vào 3.300 vị trí viên chức. Vì thế, chính sách hạn ngạch viên chức lập tức gây tranh cãi lớn trong xã hội Bangladesh và bị các nhóm sinh viên, thanh niên phản đối gay gắt vì bị cho là bất công, phân biệt đối xử.

Đến ngày 21/07, Tòa án Tối cao Bangladesh ra phán quyết điều chỉnh chính sách này, với việc giảm hạn ngạch tuyển dụng cho con cháu cựu chiến binh từ 30% xuống 5%. Ngoài ra, Tòa cũng yêu cầu 93% vị trí tuyển dụng phải được dựa trên đánh giá năng lực thay vì dựa trên lý lịch và 2% hạn ngạch còn lại sẽ dành cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người chuyển giới. Bất chấp phán quyết của Tòa án Tối cao Bangladesh, các cuộc biểu tình do phong trào sinh viên dẫn dắt vẫn không hạ nhiệt khi các nhóm biểu tình chuyển sang yêu sách yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Biều tình nhanh chóng leo thang thành xung đột bạo lực giữa các phe nhóm phản đối và ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina, cũng như giữa các nhóm biểu tình với lực lượng an ninh. “Giọt nước tràn ly” đến vào ngày 04/08, khi 94 người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn, trong đó có 14 cảnh sát, buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải tuyên bố từ chức sau 15 năm nắm quyền và rời khỏi đất nước.

Bất ổn chính trị đẩy Bangladesh vào tương lai bất định - ảnh 1Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức tại Dhaka, Bangladesh ngày 5/8/2024. Ảnh: AP

Nhằm duy trì trật tự Hiến pháp và chấm dứt làn sóng bạo động, Tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zaman tuyên bố quân đội tạm thời nắm quyền điều hành đất nước trong thời gian lập chính quyền chuyển tiếp. Trong phát biểu hôm 05/08, ông Waker-Uz-Zaman cho biết đã thảo luận với tất cả các đảng phái tại Bangladesh về việc lập một chính phủ tạm quyền, đồng kêu gọi người dân Bangladesh tin tưởng vào quân đội để sớm lập lại trật tự cho đất nước: “Xin hãy giữ niềm tin và tin tưởng vào quân đội. Tôi nhận trách nhiệm và hứa bảo vệ mạng sống cũng như tài sản của nhân dân. Chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của người dân và đem hòa bình, hòa hợp trở lại với đất nước. Tôi yêu cầu tất cả mọi người chấm dứt mọi hành vi bạo lực, phá hoại và biểu tình”.

Tương lai bất trắc

Nhằm sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, quân đội Bangladesh cho biết lệnh giới nghiêm, được áp đặt từ 20/07 để ngăn chặn các cuộc biểu tình, chính thức được gỡ bỏ vào sáng ngày 06/08, theo giờ địa phương. Các văn phòng, nhà máy, trường học… hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc thành lập được một chính phủ tạm quyền để ổn định trật tự đất nước, tiếp đến là xây dựng một lộ trình chuyển giao quyền lực chính thức một cách dân chủ thông qua bầu cử, là thách thức rất lớn với Bangladesh trong bối cảnh chính trị bất trắc hiện nay. Hiện tại, lực lượng quân đội Bangladesh vẫn chưa công bố rõ ý định có tiếp tục giữ vị trí đứng đầu chính phủ tạm quyền hay không, trong khi lực lượng sinh viên, nòng cốt của làn sóng biểu tình vừa qua, tuyên bố muốn nắm giữ vai trò chủ chốt trong chính phủ mới. Nahid Islam, điều phối viên của Phong trào sinh viên chống phân biệt, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra các đề xuất về việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia tạm quyền. Sinh viên và những người tổ chức làn sóng biểu tình vừa qua sẽ nằm trong chính phủ tạm quyền, cũng như đại diện của xã hội dân sự và các tổ chức nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ đề xuất nhân sự và phương hướng của chính phủ tạm quyền”.

Bất ổn chính trị đẩy Bangladesh vào tương lai bất định - ảnh 2Nahid Islam, một trong những thủ lĩnh của tổ chức biểu tình Sinh viên chống phân biệt đối xử được thả vào ngày 1/8/2024. Ảnh: AFP/Munir Uz Zaman

Trong lúc này, bất ổn chính trị tại Bangladesh đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Trong thông cáo đưa ra hôm 06/08, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết sẽ đánh giá các tác động của chính biến vừa qua tại Bangladesh đối với các chương trình cho vay của WB tại quốc gia này. Hồi tháng 6, WB phê duyệt khoản vay mới 900 triệu USD nhằm giúp Bangladesh cải thiện năng lực xây dựng chính sách thuế, tài chính, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Tổng cộng, trong năm tài khóa 2024 (kết thúc ngày 30/06), WB cho Bangladesh vay 2,85 tỷ USD. Việc WB, cũng như các thể chế tài chính quốc tế khác, điều chỉnh chính sách có thể sẽ tổn hại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Bangladesh, dù các nhận định từ đầu năm nay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo kinh tế Bangladesh tăng trưởng tích cực, khoảng 6,1% năm nay và 6,5% năm tới.

Bất ổn tại Bangladesh cũng làm gia tăng căng thẳng an ninh tại Nam Á. Hiện tại, Ấn Độ đã tăng cường binh sĩ quanh biên giới Bangladesh, đồng thời đặt các đơn vị quân đội trong tình trạng báo động cao. Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ hay nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Bangladesh.

Feedback