Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt nhân tố con người và an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Nghị quyết của Đảng cũng khẳng định bảo đảm an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực cho sự ổn định chính trị xã hội và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt nhân tố con người và an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Ảnh: VOV |
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành; tình hình chính trị ổn định, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao... Kết quả ấy góp phần tạo lập nền tảng bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt các thách thức mới cần giải quyết về an ninh xã hội, an ninh con người.
Giải quyết các thách thức này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, xác định bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Nghị quyết cũng khẳng định chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Nghị quyết nêu những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia là “an ninh toàn cầu” và “an ninh con người”. Theo đó, những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống; nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục tác động đa chiều đến việc bảo vệ an ninh con người, quá trình hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam. Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó, Đảng khẳng định lấy nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Lực lượng chức năng của Bộ Công an và địa phương triển khai kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại Quận 4, TP Hồ Chí Minh, tháng 8/2021. Ảnh: VOV |
Để thực hiện mục tiêu “an ninh con người”, Đảng cộng sản Việt Nam không những khẳng định vị trí “an ninh con người” là trung tâm của sự phát triển mà còn đưa ra hệ thống những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới với những trọng tâm gắn với an ninh con người Việt Nam. Trước hết, Đảng xác định an ninh con người gắn với độc lập chủ quyền của quốc gia - dân tộc, của chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hai là, con người là trung tâm, nguồn lực của sự phát triển. Do đó, Đảng tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Tiếp đó, việc bảo đảm an ninh con người tức là phải tạo ra được ngày càng nhiều hơn những điều kiện vật chất và tinh thần để con người có được đời sống yên ổn và cơ hội phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế rong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hoá dân số. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả”.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng đề cập việc phát triển đất nước giàu mạnh với nhân tố con người là trung tâm. Nghị quyết nêu rõ: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Nghị quyết khẳng định việc quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh là bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chính là đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam.