1. Xung đột Nga-Ukraine gây hệ lụy ở cấp độ toàn cầu
Cục diện địa chính trị, địa kinh tế thế giới thay đổi sâu sắc sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022.
Người dân sơ tán khỏi thành phố Irpin, tây bắc Kyiv, Ukraine, ngày 5/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau gần 10 tháng đối đầu và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, xung đột ở Ukraine đã và đang gây ra những tác động dài hạn đến tương lai quan hệ quốc tế, đặt thế giới đứng trước những ngã rẽ nguy hiểm mới.
Đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức: kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại và đàm phán khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
2. Thế giới mở cửa sau Đại dịch Covid - 19, kinh tế toàn cầu đối diện với suy thoái
Bắt đầu từ Quý I/2022, thế giới đã thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch Covid 19, chủ động thích ứng với làn sóng dịch mới. Hầu hết các nước trên thế giới đã dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, mở cửa biên giới, khôi phục giao thương… để lấy lại đà phát triển kinh tế sau gần 2 năm kiệt quệ do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm tăng khó khăn cho các chính phủ trước các áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ảnh: tapchinganhang.gov.vn |
Tuy nhiên, Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản, các trụ cột kinh tế thế giới rơi vào lạm phát với tỷ lệ cao chưa từng có, buộc nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chi tiêu, mạnh tay trong chính sách tiền tệ.
Áp lực từ lạm phát, cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng do xung đột và lãi suất cao đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái và có thể còn tiếp diễn trong 2023.
3. Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người: động lực mới, thách thức mới
Ngày 15/11/2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của nhân loại khi dân số toàn cầu chính thức đạt 8 tỷ người.
Sự tăng trưởng này đánh dấu những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y tế, tạo nguồn lực to lớn, nguồn cung lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Dân số toàn cầu chính thức đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022. Ảnh: Twitter |
Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp tầm liên chính phủ: đó là áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu; tình trạng già hóa dân số và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu-nghèo gia tăng; ô nhiễm môi trường, cạn kiệt hệ sinh thái.
4. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với hệ lụy là phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, giá khí đốt và giá điện tăng mạnh.
Biển báo hết nhiên liệu tại một trạm xăng ở thị trấn Hemel Hempstead, Anh, hôm 29/9/2022. Ảnh: Reuters |
Có nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này như đại dịch Covid 19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng nóng trong những năm trước đây kết hợp với những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Giá nhập khẩu năng lượng tăng đột biến trên toàn cầu, với giá than cao gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên cao gấp 10 lần so với năm 2021, đặt thế giới trước những nguy cơ khó lường. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu cho thấy xu thế tất yếu phải nhanh chóng chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
5. Hội nghị COP 27 đạt thỏa thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường “Tổn thất và thiệt hại”
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Xam En-sếch (Sharm El-Sheikh), Ai Cập đã thông qua thỏa thuận lịch sử về việc thành lập Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Đại diện các nước hoan nghênh sau khi thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu được thông qua tại COP27. Ảnh: Reuters |
Quỹ bồi thường này sẽ bao gồm các khoản chi phí cho những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho các nước nghèo, gồm: xây dựng nhà cửa, cầu đường bị phá hoại và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nghiêm trọng.
Thỏa thuận lịch sử được coi là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển sau hơn 30 năm đàm phán.
6. Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX
Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới, xây dựng toàn diện đất nước, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. Ảnh: chinanews.com |
Đại hội đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu "100 năm" lần thứ hai, xây dựng Trung Quốc trở thành nước XHCN hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa Trung Quốc.
Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đặt ra những đường hướng trong chính sách đối ngoại để đối phó với các thách thức và củng cố vai trò và vị thế quốc tế của Trung Quốc.
7. Bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ: Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ năm 2022 đã diễn ra với sự cạnh tranh gay gắt giữa các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa giành được Hạ viện.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022. Ảnh: Getty Images |
Việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện trong Quốc hội Mỹ có thể khiến Tổng thống Joe Biden đối mặt với nhiều thách thức trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ, ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ; ít nhiều sẽ tác động tới cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
8. NATO tiếp tục mở rộng liên minh
Ngày 5/7/2022, tại Brussels (Bỉ), 30 nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký Nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, động thái mở rộng quan trọng nhất của liên minh này kể từ giữa những năm 1990 của thế kỷ trước.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại lễ kỉ niệm ở Brussels ngày 5/7/2022. Ảnh: Reuters |
Việc nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển đã phá vỡ quan điểm trung lập của các nước Bắc Âu, đang làm thay đổi bàn cờ địa chính trị châu Âu.
Nếu hai quốc gia Bắc Âu này hoàn tất quá trình gia nhập NATO, thì điều đó sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với cấu trúc an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
9. CHDCND Triều Tiên thử tên lửa hàng loạt, thông qua Luật tuyên bố là quốc gia hạt nhân
Ngày 8/9/2022, Hội đồng Nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên đã chính thức thông qua Luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa được Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 10/10. Ảnh: Reuters |
Luật tuyên bố CHDCND Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của đất nước.
Để đối phó, các nước có liên quan gồm Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Động thái của các bên đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh, hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á.
10. World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại một nước Hồi giáo Trung Đông
Vòng chung kết bóng đá thế giới 2022 (World Cup 2022) được tổ chức tại Ca-ta (Qatar) từ 20/11-18/12/2022 với nhiều điểm đặc biệt:
Lễ khai mạc diễn ra trên sân Al Bayt. Ảnh: goal |
Lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại một nước Hồi giáo Trung Đông, lần đầu tiên trong lịch sử, vòng chung kết bóng đá thế giới diễn ra vào mùa Đông thay vì mùa Hè; lần đầu tiên Ma-rốc (Maroc) - một đội bóng châu Phi lọt vào bán kết.
Trận chung kết trong mơ kịch tính nhất trong lịch sử World Cup giữa Pháp và Argentina là minh chứng tiêu biểu nhất. World Cup 2022 cũng vinh danh thiên tài bóng đá Li-ô-nen Mét-xi (Lionel Messi), đồng thời khẳng định tài năng của thế hệ ngôi sao bóng đá mới mà Ki-li-an Em Báp-pê (Kylian Mbappé) là đại diện.