Nỗ lực vượt qua khủng hoảng, kiến tạo tương lai chung cho thế giới

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) -  Cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2 đến nay đã cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người thuộc cả hai phía.

Trong thế kỷ 21, thế giới chưa bao giờ phải cùng lúc đối mặt với khó khăn, thách thức và các cuộc khủng hoảng nhiều như trong năm 2022. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, học giả, nhà phân tích cũng như truyền thông quốc tế về tình hình thế giới năm 2022. Cũng bởi thế, cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực, hợp tác cùng nhau vượt qua khủng hoảng, xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng bao trùm.  

Không chỉ chứng kiến nhiều diễn biến an ninh bất ổn nghiêm trọng như xung đột vũ trang và nguy cơ xung đột vũ trang, thế giới trong năm 2022 còn đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng về kinh tế, năng lượng, lương thực, thảm họa thiên nhiên….   

Nỗ lực vượt qua khủng hoảng, kiến tạo tương lai chung cho thế giới - ảnh 1Quân nhân Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng đa khủng hoảng

Đa khủng hoảng hay khủng hoảng kép là những cụm từ được nhiều phương tiện truyền thông quốc tế mô tả về thực trạng có nhiều cuộc khủng hoảng đồng thời xảy đến với thế giới trong năm nay. Đơn cử, hãng thông tấn AFP (Pháp) cho rằng năm 2022 là một năm “đa khủng hoảng”. Trong đó, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên đã gây ra thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD.

Đó là một thực tế đáng buồn. Biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới, cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người. Trong đó, chỉ riêng trận lũ lụt lịch sử tại Pakistan (từ tháng 6-9) khiến ít nhất 1.600 người chết.

Thế nhưng, tổn thất lớn nhất về người lại đến từ cuộc khủng hoảng do chính con người trực tiếp gây ra: xung đột vũ trang. Theo các thống kê chưa đầy đủ, cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2 đến nay đã cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người thuộc cả hai phía, bao gồm cả binh sỹ và dân thường. Không chỉ có vậy, xung đột còn góp phần thúc đẩy tình trạng khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, đẩy kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái. Chưa hết, xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề liên quan còn làm thay đổi cấu trúc quan hệ quốc tế, làm gia tăng tình trạng đối đầu Nga-phương Tây.

Nỗ lực vượt qua khủng hoảng, kiến tạo tương lai chung cho thế giới - ảnh 2Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: TTXVN 

Ngoài xung đột Nga-Ukraine, nhiều cuộc xung đột quy mô nhỏ cũng được ghi nhận ở cả châu Âu (không gian hậu Xô-viết), Trung Đông và châu Phi, trong khi tình hình tại Đông Bắc Á cũng diễn biến đáng lo ngại với hàng loạt động thái quân sự gia tăng từ các bên liên quan (Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ). Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên nguy cơ chiến tranh hạt nhân được nhiều bên nhắc đến hoặc cảnh báo một cách đáng lo ngại. Thực tế đó khiến cho cục diện an ninh toàn cầu thêm khủng hoảng, kéo theo đó là nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác. Theo số liệu của Liên hợp quốc, xung đột vũ trang và an ninh bất ổn là tác nhân chính khiến số người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tăng lên tới 100 triệu người trong năm 2022, gần gấp đôi con số 60 triệu người của năm 2014.

Vượt qua khủng hoảng, kiến tạo tương lai chung

Theo nghiên cứu có tên “Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2023” của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), biến đổi khí hậu sẽ khiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2023. Nhiều chuyên gia quốc tế chia sẻ đánh giá này, nhấn mạnh rằng cần có hành động khẩn cấp để đối phó. Trong đó, Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) cảnh báo “Đó không phải là một cuộc khủng hoảng cấp tính, mà là một cuộc khủng hoảng lâu dài. Nếu chúng ta không hành động đủ, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chúng ta ở quy mô chưa từng có”.

Với cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/12 khẳng định Moscow sẽ nỗ lực đảm bảo xung đột kết thúc sớm nhất có thể thông qua giải pháp ngoại giao. Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới cũng kêu gọi lập tức thúc đẩy giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột, giúp khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhất là năng lượng và lương thực, đồng thời đảm bảo môi trường hòa bình cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực cũng như toàn thế giới.

Trong cuộc họp báo cuối năm tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 19/12, với tư cách người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho các vấn đề của thế giới, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm "hơn bao giờ hết" để biến 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm để hành động nhằm kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Ông Guterres nhấn mạnh “Chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Chúng cần kiếm tìm giải pháp và hành động”. Theo đó, cần thúc đẩy hòa bình, an ninh cùng các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đồng thời xóa bỏ sự bất bình đẳng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, để đảm bảo quyền cho tất cả mọi người và xây dựng nên một hành tinh “đáng sống” cho thế hệ mai sau.

Feedback